Giải pháp khắc phục nhiễm mặn tại đồng muối Quán Thẻ

(NTO) Ngày 4-2, đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả và nghiệm thu Đề tài “Dự báo tình hình nhiễm mặn và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm mặn đất, nước mặt, nước ngầm, không khí tại đồng muối Quán Thẻ, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam” do Công ty TNHH MTV Nước và Môi trường Bình Minh (TP Hồ Chí Minh) thực hiện. Trên cơ sở đó, đã chọn được hướng giải quyết khả thi.

Dự án thiếu đánh giá tác động môi trường

Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, rộng 2.510 ha, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sản xuất Hạ Long (Công ty Hạ Long) đầu tư, là một trong những khu kinh tế muối trọng điểm của Quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 1111/QĐ-TTg ngày 30-11-1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này xác định hai vấn đề cơ bản, là: tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong khu vực dự án; tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng dự án vẫn chưa được cải thiện như mong muốn. Trong khi đó, môi trường vùng dự án phải đối mặt với thực trạng hết sức khắc nghiệt khi phạm vi và mức độ nhiễm mặn đất, nước ngầm, không khí ngày càng nặng nề.

Để xử lý dứt điểm tình trạng nhiễm mặn hàng chục năm qua, UBND tỉnh đã thuê Công ty TNHH MTV Nước và Môi trường Bình Minh (Công ty Bình Minh) khảo sát, xác định vùng bị ảnh hưởng do sản xuất muối gây ra; đánh giá tốc độ xâm nhập mặn, muối hóa xuống đất, các tầng chứa nước dưới đất, nước mặt và không khí trên toàn bộ diện tích đồng muối theo quy hoạch. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp khắc phục, giảm thiểu thiệt hại đối với đời sống người dân nhưng vẫn bảo đảm lợi ích phát triển kinh tế.

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Nghị, Giám đốc Công ty Bình Minh, sau khi khảo sát, đo 350 điểm đo mặt cắt điện, 225 điểm đo sâu điện trên 8 tuyến khảo sát đã được định sẵn; sử dụng máy khoan XY-1A và máy khoan UKB, khoan 51 lỗ khoan tại khu vực nghiên cứu kể cả vùng phụ cận, kết quả phân tích cho thấy, khu vực cánh đồng muối và vùng phụ cận có hàm lượng NaCl (Natri Clorua) cao vượt từ 10 đến 35 lần giá trị cho phép. Phía đông và tây cánh đồng muối gần như bị nhiễm mặn hoàn toàn.

“Tại khu vực Quán Thẻ 1, 2 và 3 cùng thôn Lạc Tiến, nước ngầm hoàn toàn không thể sử dụng được; mở rộng về phía bắc tại khu vực khu hành chính huyện Thuận Nam, nước bị lợ, một số vùng bị nhiễm mặn, kéo dài lên đến thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, đa số bị nước lợ”- Tiến sĩ Vũ Văn Nghị, xác định.

Qua kết quả khảo sát từ nhiều năm qua, các ngành liên quan và các chuyên gia, khẳng định, nếu không có đồng muối, thì vùng Quán Thẻ không bị nhiễm mặn, hiện trạng nhiễm mặn nằm ngoài sự tiên liệu trước khi dự án được triển khai. Đồng chí Lê Huyền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phân tích: Nguyên nhân đầu tiên là nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động môi trường. Trước khi có đồng muối, hàm lượng Cl (mg/l) có cao nhưng vẫn nằm trong giời hạn cho phép là 250mg/l. Nay, không chỉ có độ mặn tăng cao gấp nhiều lần mà con lan rộng hàng nghìn ha. Vì thế, yêu cầu Công ty Hạ Long sớm làm báo cáo kinh tế tác động môi trường để nói rõ trách nhiệm của công ty về hoạt động dự án này ”.

Phó Giám đốc Công ty Hạ Long Nguyễn Đức Phấn, thừa nhận: Việc nhiễm mặn thẩm thấu ngang, dọc là do chưa có đánh giá tác động môi trường nghiêm túc. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhà đầu tư cũng đã triển khai một số giải pháp để giảm thiểu độ nhiễm mặn, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn.

Đã có giải pháp tối ưu

Để tránh nhiễm mặn về lâu dài và bảo đảm phát triển kinh tế, Công ty Bình Minh đã đưa ra dự báo sự lan truyền nhiễm mặn đến năm 2020 tại vùng dự án và hai nhóm giải pháp (có tám kịch bản), để khắc phục. Cụ thể: Giải pháp nhóm một, là giữ nguyên hiện trạng sinh sống của dân cư trong vùng và tập trung các biện pháp giảm thiểu, tìm nguồn nước cấp cho người dân bảo đảm số lượng và chất lượng, như: giảm tính thấm vật liệu lót đáy tại khu vực cánh đồng muối để giảm lượng nước muối thấm qua đáy xuống tầng chứa nước; cải tạo, hạ thấp cốt cao đáy hệ thống kênh dẫn nước hiện có trong khu vực cánh đồng muối; xây dựng các tuyến kênh ven núi ở phía đông đồng muối để giữa nước mưa và nước ngầm thoát ra; xây dựng tuyến kênh thu gom nước thấm rỉ bao quanh diện tích đồng muối, lưu thông các tuyến kênh này với nhau. Giải pháp nhóm hai, là tìm vùng tái định cư cho người dân, đền bù, vận động người dân ở các thôn Quán Thẻ 1, 2 và 3 và một phần thôn Lạc Tiến chuyển đến nơi ở mới, đồng thời gia cố hệ thống chống nhiễm mặn hợp lý để ngăn biên độ mặn lan rộng.

Qua phân tích, đánh giá ưu đểm, nhược điểm của hai nhóm giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng: giải pháp nhóm một, tuy có vốn đầu tư ban đầu thấp do không phải đền bù, tái định cư, nhưng chi phí để duy trì hoạt động lại rất cao, vì phải chi hỗ trợ, bù đắp những thiệt hại hằng năm của người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Giải pháp hai, là khi người dân tại các thôn Quán Thẻ 1, 2 và 3 và một phần thôn Lạc Tiến chuyển đến nơi ở mới sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Huyện đã lựa chọn được khu tái định cư mới tại trung tâm hành chính huyện. Đây là điều kiện tốt nhất để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, Công ty Hạ Long thuận lợi trong hoạt động và không mất thời gian để xử lý khiếu kiện, khiếu nại. Giải pháp hai, tuy có tốn chi phí đền bù, di chuyển tái định cư, nhưng có tính bền vững cao.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích của các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tại địa phương cùng với thuyết trình của đơn vị tư vấn, đã đi đến thống nhất nghiệm thu Đề tài “Dự báo tình hình nhiễm mặn và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm mặn đất, nước mặt, nước ngầm, không khí tại đồng muối Quán Thẻ, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam”, đồng thời, chọn giải pháp hai để giải quyết dứt điểm tình trạng nhiễm mặn kéo dài nhiều năm qua, làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty Hạ Long nhanh chóng thực hiện nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường, để bảo đảm việc triển khai tiến độ dự án; trước mắt, tạm ứng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng và phối hợp với huyện Thuận Nam, thực hiện việc đền bù thiệt hại cho người dân trong vùng dự án trước Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.