Hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”:

Các hình thức thực thi nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

(NTO) Trong thế giới ngày nay, nguyên tắc “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” là xu hướng được thể hiện trong Hiến pháp của nhiều quốc gia …

1. Khoản 2 điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức”. Đây là một nguyên tắc hiến định, thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta, đó là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nguyên tắc này đã được xác định ngay từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (điều thứ 1 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”). Nguyên tắc này cũng đã được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ trước đến nay, tuy nhiên hình thức thể hiện nguyên tắc gắn liền với các đặc điểm của mỗi giai đoạn lập hiến. Hiến pháp năm 1992 thể hiện rõ nét hơn tại điều 2 với nội dung “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức”…

a) Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân khẳng định Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất quyền lực Nhà nước và để bảo đảm nội dung này, điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Đồng thời, khoản 2 điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liên, hách dịch, cửa quyền”.

Những nội dung nêu trên xác định rõ vai trò chủ thể của Nhân dân đối với quyền lực Nhà nước.

b) Đoạn cuối lời nói đầu Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là nội dung mới rất quan trọng, khẳng định Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất thực thi quyền lực Nhà nước.

2. Việc Nhân dân thực thi quyền lực Nhà nước như thế nào là cả một quá trình mà từ trước tới nay các bản Hiến pháp của nước ta không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Có thể nhận thấy hai hình thức phổ biến nhất để Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước là:

a) Hình thức dân chủ đại diện: Đây là hình thức Nhân dân làm chủ thông qua cơ quan đại diện của mình. Từ trước đến nay, Nhân dân ta thực hiện hình thức dân chủ đại diện thông qua việc bầu cử những người thay mặt mình tham gia vào hệ thống các cơ quan quyền lực Nhà nước, trong đó Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Hình thức dân chủ đại diện có phát huy được hiệu quả đến đâu là tùy thuộc vào hai yếu tố rất quan trọng, đó là:

- Việc hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử và việc công dân tự ứng cử;

- Việc người dân thực hiện quyền lựa chọn (thông qua hình thức bầu cử) đồng thời gắn với việc người đại biểu của Nhân dân thực thi chức trách đại diện cho Nhân dân của mình đến mức độ nào với việc Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đến đâu?

b) Hình thức dân chủ trực tiếp: Hiện nay, trên thế giới, hình thức dân chủ trực tiếp phổ biến nhất là trưng cầu ý dân. Đây là hình thức thể hiện đầy đủ và cao nhất ý chí của Nhân dân để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Điều thứ 21 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” … Có thể thấy, hình thức dân chủ trực tiếp là cách thức cần phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi. Hiện nay, Nhà nước ta đang xây dựng Luật Trưng cầu ý dân và một số Luật khác để bảo đảm hình thức dân chủ trực tiếp được thực hiện đầy đủ hơn. Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, Luật Tiếp công dân là một trong những đạo luật xác lập, quy định hình thức dân chủ trực tiếp để bảo đảm địa vị pháp lý chủ thể quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân …

c) Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Nội dung mới rất quan trọng so với Hiến pháp năm 1992 là các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện của Hiến pháp năm 1992 chỉ thực hiện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng hình thức “thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Phạm vi thực hiện dân chủ đã được mở rộng hơn và điều này tùy thuộc rất nhiều vào việc xây dựng các văn bản pháp luật cụ thể để thực hiện nội dung mới đã được Hiến pháp năm 2013 xác định.

3. “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân” là nguyên tắc chủ đạo thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Các hình thức thực hiện quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân rất cần được nghiên cứu để cụ thể hóa thành những đạo luật nhằm bảo đảm quyền lực đó là quyền lực thực tế, tôn vinh chủ thể tối cao và duy nhất quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân …