6 tuyệt chiêu dạy bé biết nghe lời

Có những đứa trẻ, khi ba mẹ yêu cầu việc gì là lập tức nhoẻn miệng cười, vâng dạ làm theo ngay. Cũng có những đứa trẻ, mặc cho ba mẹ hò hét, quát mắng, thậm chí lôi roi ra, bé vẫn cứ bướng bỉnh cãi lại, không nghe. Ngoan ngoãn, biết nghe lời có phải là món quà… trên trời 'rớt xuống'?

 1. Nghiêm giọng, nhưng không quát mắng!

Càng gào thét bao nhiêu, bé càng bướng bỉnh bấy nhiêu. Điều này giống như phản xạ tự nhiên của con người vậy. Khi rơi vào trạng thái sợ hãi (vì bị quát mắng ầm ĩ) lúc đầu, đồng thời cơ thể cũng sẽ “huấn luyện” cho bé trở nên chai lì, bướng bỉnh hơn như một cách “tự vệ”.

Một hai lần đầu, bé có thể vâng dạ, nước mắt nước mũi tèm lem, mắt giương to lên sợ hãi khi bị la mắng. Nhưng ba lần… bốn lần… Đến một lúc, bỗng bất ngờ khi thấy con lầm lì, kệ ba mẹ la gì thì la, quát gì thì quát. Tệ hơn nữa, con có thể phản kháng lại, cãi lại.

Chỉ cần bạn nghiêm giọng, bé cũng đã có thể hiểu cha mẹ đã không hài lòng và cần điều chỉnh rồi. Việc nghiêm giọng nhưng vẫn đầy bình tĩnh, đầy vẻ yêu thương khiến bé dễ “phục” hơn. Bé sẽ không cần thiết phải rơi vào trạng thái phản kháng “tự vệ”, thay vào đó sẽ chịu nghe ba mẹ nói. Khi nhận ra và ý thức được mình sai, con sẽ tự điều chỉnh và thay đổi, từ từ hình thành một nếp ngoan ngoãn, dễ bảo và biết lắng nghe.

2. Học cách sử dụng ánh mắt!

Ngay từ khi 1-2 tuổi, ngay từ khi chưa biết nói, bé đã có đủ sự nhạy cảm để nhận ra “ngôn ngữ” từ ánh mắt của mẹ. Ánh mắt nghiêm trang khi muốn bé thôi nghịch ngợm, ánh mắt vui vẻ khi hài lòng… Tất cả những điều ấy có ý nghĩa rất đặc biệt.

Không cần “nói nhiều” khi con làm sai điều gì đó. Hãy chỉ biểu hiện cho bé thấy bằng ánh mắt của bạn. Điều này nên thực hiện càng sớm càng tốt, từ khi bé 5-6 tháng tuổi trở đi. Đến khoảng 2 tuổi, bé đã có thể “hiểu” ánh mắt của mẹ một cách xuất sắc.

Hãy để ý mà xem, nhiều bà mẹ không hề cần quát tháo. Khi thấy con vội vã bốc đồ ăn mà chưa kịp rửa tay, mẹ mới nghiêm trang… nhìn một cái đã thấy bé líu ríu bỏ xuống, ngoan ngoãn đi rửa tay rồi. Bạn xem, có phải lúc nào hò hét cũng có tác dụng hơn im lặng đâu!

3. Luôn giữ lời hứa, đã nói là làm!

Tiếng nói của ba mẹ chỉ có “giá trị” với bé khi bé ý thức được rằng ba mẹ đã nói là làm. Hễ hứa thưởng cho con thì cần thưởng. Đã nói rằng sẽ phạt, thì nên phạt, không để mềm lòng. Những điều này được làm từ khi con còn nhỏ sẽ dần tạo nên một “phản xạ tự nhiên”. Đến lúc con lớn hơn, chỉ cần nói ngắn gọn: “Không được!” là bé hiểu đúng chính xác ngay nó có nghĩa là… không được. Chỉ cần nói: “Con tắt máy tính, vào ăn cơm!” là bé hiểu và lập tức làm theo. Bé không mè nheo, không cãi lời, không năn nỉ, vùng vằng vì bé đã được rèn luyện từng chút một qua nhiều năm tháng rằng ba mẹ nói là làm!

4. Hướng dẫn trẻ càng chi tiết càng tốt!

Khi còn nhỏ, có những lúc bé rất muốn vâng lời bạn nhưng lại… chẳng biết “vâng lời” thế nào. Ví dụ, với một “bãi chiến trường” do bé bày ra sau khi chơi, bạn bảo con: “Dọn đi, Bin!”. Lát sau bạn quay vào, vẫn thấy… “bãi chiến trường” như cũ. Bạn hét toáng lên nghĩ là con không vâng lời. Kỳ thực không phải! Bé không dọn vì bé không biết bắt đầu từ đâu, bé lúng túng trước yêu cầu của bạn.

Vì vậy, với trẻ nhỏ, khi yêu cầu con làm một điều gì đấy, nên càng chi tiết càng tốt. Hãy chắc rằng đã hướng dẫn đầy đủ và con thật sự biết cách làm. Chẳng hạn, những lần đầu tiên, khi thấy con lúng túng với chuyện dọn đồ chơi, hãy yêu cầu: “Con nhặt hết những quả bóng kia, cho vào cái rổ màu đỏ!”. Sau khi con làm xong, bạn tiếp tục hướng dẫn: “Để những chiếc xe ô tô của con lên kệ này!”.

Có thể trực tiếp làm cho con, hướng dẫn kiểu “cầm tay chỉ việc” trong những lần đầu. Bé sẽ bắt chước những lần sau.

5. Đừng yêu cầu… hàng loạt!

Trẻ còn nhỏ, hãy luôn ghi nhớ điều ấy. Nên yêu cầu con những điều vừa sức, đúng tâm lý con. Không nên đòi hỏi ở con quá nhiều, không nên đưa ra hàng loạt yêu cầu cùng lúc. Yêu cầu nhiều quá, bé không làm nổi thì sẽ nảy ra tâm lý… lì. Cứ lì ra như một cách “tới đâu thì tới!”.

Vì vậy, mỗi lần muốn con làm gì, chỉ nói ngắn gọn một điều duy nhất. Động viên con thực hiện, thực hiện xong mới đưa ra yêu cầu thứ hai. Ví dụ không bao giờ nên nói: “Bin, con thay quần áo, cất cặp lên kia, đi tắm rồi xuống ăn cơm, rồi lên học bài, làm bài tập ngày mai cho mẹ!”.

Như vậy là… quá nhiều với trẻ nhỏ! Trẻ sẽ “ngán ngẩm” dù rất muốn vâng lời. Hãy nói đơn giản: “Con đi học về rồi hả? Cất cặp đi nào!”. Khi nào bé cất cặp xong chạy xuống, hãy nói tiếp với con lần lượt từng điều tiếp theo. Điều này khiến bé dễ thực hiện. Và thì luôn có được cảm giác hài lòng vì bé rất vâng lời.

6. Không nên mềm lòng!

Mẹ nào cũng thương con. Mẹ nào cũng xót ruột khi thấy con khóc lóc. Nhưng để con nên người, biết vâng lời và ngoan ngoãn, cần biết khi nào mềm, khi nào cứng.

Nên để cho bé tự “ngấm” với những lời khuyên, những hình phạt đã làm trong ít lâu, có thể 5-10 phút, sau đó mới “bình thường hóa” mọi chuyện (không vồn vã quá mức hay xuýt xoa vỗ về). Bằng cách này, bé sẽ hiểu đâu là đúng, đâu là sai, hình phạt của chuyện không ngoan là gì và lần sau biết tránh.

Một khi vừa phạt bé xong, nhìn con ngân ngấn nước mắt tủi thân, đừng vội vã ôm con vào lòng, xuýt xoa vỗ về, sau đó mang ra nào bánh kẹo, nào đồ chơi để… “đền bù” lại cho con! Làm thế thì lần sau bé sẽ được nước làm tới, không chịu nghe lời nữa mà sẽ dùng nước mắt làm vũ khí.

nguồn: www.webtretho.com.vn