Hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”:

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc

(NTO) Lịch sử Việt Nam từ thời Vua Hùng dựng nước đến nay, đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đã được các bản Hiến pháp ghi nhận và khẳng định. Hiến pháp năm 2013 thể hiện nội dung tư tưởng đại đoàn kết dân tộc như sau:

1. Đoạn 1 Lời nói đầu khẳng định đoàn kết là truyền thống yêu nước đã được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử: “Trãi qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thông yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”. Đoạn 2 Lời nói đầu tiếp tục khẳng định tư tưởng đại đoàn kết dân tộc làm nên những chiến công vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội” .

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được khẳng định và nâng lên tầm cao mới, thể hiện tại đoạn cuối Lời nói đầu “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đước quán triệt xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp 2013; có thể thấy tư tưởng này thể hiện tập trung ở Chương I (Chế độ chính trị ) và Chương II (Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân).

a) Đại đoàn kết dân tộc là sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của một nước độc lập, có chủ quyền đã thể hiện rõ tại Điều 1: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc được khẳng định là một nguyên tắc xác lập quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân thể hiện tại khoản 2 Điều 2: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Điều 5 Hiến pháp 2013 một lần nữa khẳng định và thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc tại khoản 1 và khoản 2: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam” (khoản 1 Điều 5); “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (khoản 2 Điều 5).

b) Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc thể hiện rõ nét ở Điều 9 về chế định Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các tổ chức Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đàon Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.

c) Một nội dung quan trọng cần được lưu ý là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc thể hiện tại Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân); Trong đó nội dung tại các Điều 15, 16, thể hiện quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích Quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đại đoàn kết dân tộc được khẳng định tại Điều 18 với những nội dung: “1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời với cộng đồng dân tộc Việt Nam. 2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

3. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc trong Hiến pháp 2013 là sự kế thừa, khẳng định và phát triển mang tính truyền thống và hiện đại phù hợp với nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Có thể thấy rõ tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đã được Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam xác định trong tuyên ngôn độc lập (ngày 02/9/1945): “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”... “Tòan thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo” là nguyên tắc và “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”. Nội dung tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đều thể hiện trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi 2001) và những nội dung thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc trong Hiến pháp 2013 vừa nêu trên xứng đáng được coi là “bảo vật” của đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.