Một điều chỉnh hợp tình, hợp lý

Các hoạt động giao dịch dân sự gắn với động sản và bất động sản có giá trị lớn (ôtô, xe máy, tàu bay...) buộc phải "đăng ký và tuân thủ quy định về hình thức” có ý nghĩa quan trọng trong thực thi Luật Dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi, giảm tình trạng tranh chấp của các bên liên quan, góp phần quản lý Nhà nước đối với các tài sản đó và giữ gìn TTATXH.

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành: "Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu".

Còn theo Dự thảo BLDS hiện đang lấy ý kiến hoàn thiện thì mở rộng hơn các trường hợp loại trừ bị tuyên vô hiệu, tức thu hẹp hơn các hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 145 dự thảo thì Điều 134 BLDS hiện hành được chỉnh sửa như sau:

“1. Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:

a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó;

b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu.”

Trước hết, cần khẳng định việc quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của một số giao dịch tài sản có giá trị cao buộc các bên tuân theo nếu không muốn bị tuyên giao dịch vô hiệu là cần thiết, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, khiến các chủ thể của giao dịch phải tuân thủ hình thức bắt buộc của giao dịch, giảm thiểu những tranh chấp phát sinh sau thỏa thuận và thực hiện giao dịch đối với các loại tài sản nêu trên.

Tinh thần này đều được quán triệt trong cả Điều 134 BLDS hiện hành và Khoản 1 Điều 145 Dự thảo BLDS sửa đổi (Dự thảo).

Tuy nhiên, nội dung quy định của Khoản 1 Điều 145 Dự thảo cho thấy có sự tiếp cận cả về pháp lý và thực tế mở rộng, mềm dẻo và cụ thể hóa, sát hợp thực tế cuộc sống hơn so với quy định tại Điều 134 BLDS hiện hành.

Thực tiễn nước ta thời gian qua cho thấy, trong quá trình giao dịch dân sự, nhiều tài sản đã được chuyển giao và công việc đã được thực hiện theo thỏa thuận, cam kết dân sự giữa các bên liên quan, mặc dù hoạt động giao dịch chưa được hoàn tất thủ tục bắt buộc về hình thức pháp lý gắn với nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan.

Tình trạng này diễn ra ở hầu khắp các vùng miền và thường khá phổ biến ở các nơi và vào các thời điểm còn hạn chế về nhận thức pháp lý cũng như các hoạt động dịch vụ tư pháp; giữa những người có quan hệ ruột thịt, họ hàng hay thân quen nhau, muốn thể hiện tình cảm, sự tin cậy nhau và thói quen chuẩn mực đạo đức truyền thống giữa các bên liên quan…

Thực tiễn cũng cho thấy, có nhiều trường hợp, một bên tham gia giao dịch ‘tiếc của”, muốn lấy lại các tài sản đã giao dịch trước đó, nên chủ ý nại ra tranh chấp và chủ động phát đơn kiện ra tòa để được tòa tuyên giao dịch vô hiệu vì chưa tuân thủ quy định hình thức pháp lý, buộc khôi phục nguyên trạng, của ai trả lại người nấy.

Những trường hợp này khiến quyền lợi bên kia hoặc bên thứ ba liên quan bị thiệt hại nặng và tăng căng thẳng giữa những chủ thể tham gia giao dịch dân sự, tạo nguy cơ mất ổn định và làm tổn thương các chuẩn mực đạo đức, quan hệ xã hội truyền thống…

Chính vì thế, Dự thảo bổ sung quy định mới dạng giao dịch dân sự loại trừ không bị tuyên vô hiệu nếu “Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó” như tại Điểm a, Khoản 1 Điều 145 là hết sức tích cực và tiến bộ, phù hợp với đời sống thực tế xã hội.

Sự bổ sung này một mặt tạo cơ hội công nhận giao dịch dân sự đã hoàn tất và sự ổn định trong quản lý, sử dụng tài sản đã giao dịch trên thực tế; mặt khác, buộc các cơ quan chức năng phải chủ động, tích cực tham gia hoàn tất thủ tục và chịu một phần trách nhiệm trong sự chưa tuân thủ các hình thức bắt buộc của giao dịch dân sự, không đổ lỗi hoàn toàn cho người dân. Trong bối cảnh chuyển đổi, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự điều chỉnh này còn giúp tránh gây xáo trộn, kiện cáo lạm dụng, giảm thiểu chi phí tiền bạc và thời gian liên quan với các tài sản đó cho người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.

Những điều chỉnh mới nêu trên còn phù hợp với các nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm sự bình đẳng, tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, thiện chí, trung thực, tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp, tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và nguyên tắc hòa giải trong cam kết, thỏa thuận và thực thi quyền dân sự; đồng thời, cũng phù hợp với quy định áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật trong Dự thảo BLDS.

Nguồn chinhphu.vn