“Lần đầu ra đảo”

(NTO) Đêm 5-1, đêm đầu tiên trên hải trình mà Tàu 571-Trường Sa đưa chúng tôi tiến ra giữa đại dương mênh mông. Đêm trên biển hầu như ai cung thao thức, thao thức vì tàu lắc lư hay vì cảm giác lần đầu tiên được đến với vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc – những chiến sĩ và cánh phóng viên chúng tôi ra mạn tàu ngắm biển, trời của Tổ quốc. Tàu 571- Trường Sa như một tòa nhà lung linh sáng rực trên biển.

Ở mạn trái, Trung tá thuyền trưởng Phạm Xuân Hải chỉ tay về phía một chấm sáng nhỏ đang di chuyển cách khá xa tàu chúng tôi và cho biết đó là tàu chở hàng của Singapore và xa hơn nữa là tàu kéo giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã từng xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam đang đi về phía Malaysia.

Đảo Trường Sa Đông.

Thì ra chúng tôi đã đi vào hải phận quốc tế, nơi có đường hàng hải nằm trên trục vận tải biển nhộn nhịp vào loại bậc nhất thế giới. Chúng tôi hỏi thuyền trưởng rằng tuyến đi này qua 12 điểm đảo, với điểm cuối là đảo Tiên Nữ - điểm cực Đông của Tổ quốc – cách đất liền khoảng 343 hải lý (gần 700 km) vậy có thể gặp tàu Trung Quốc không? Trung tá Hải vẫn hướng mắt ra biển, bình thản trả lời rằng đời đi biển của anh chưa hề có ý nghĩ sợ tàu lạ, đi Trường Sa lại càng không sợ, vì mình đang đi trong biển nhà mình. Anh Hải cũng cho biết: Con trai cả của anh, binh nhất Phạm Quyết Thắng (SN 1996) cũng chia tay đất liền để ra đảo làm nhiệm vụ đợt này. Phạm Quyết Thắng nhận nhiệm vụ pháo thủ 37 tại đảo Trường Sa lớn.

“Đi trong nhà mình” – câu nói của vị thuyền trưởng là một lời khẳng định, một chân lý giản dị và bền bỉ như lẽ tự nhiên - Trường Sa thuộc chủ quyền của dân tộc Việt Nam và mỗi người dân đất Việt đặt chân đến đều là “đi trong nhà mình”. Điều này làm cho chúng tôi cảm thấy trùng dương vô tận trở nên gần gũi, thân thuộc và yên bình.

Các chiến sĩ ở đảo trang trí cây mai chuẩn bị đón Tết.

Tại đảo Trường Sa Đông, chúng tôi gặp chiến sỹ Nguyễn Phúc Trọng, quê ở thôn Phước Thiện 3, xã Phước Sơn, Ninh Phước cùng 2 chiến sỹ khác đang trang trí chậu quất cảnh để đón đoàn công tác ở đất liền và cán bộ, chiến sĩ mới ra nhận nhiệm vụ ở đảo. Trọng cho tôi biết, tại đảo Trường Sa Đông chỉ có mình em là dân Ninh Thuận. Nhìn nước da rám nắng, gương mặt rắn rỏi, cương nghị của chàng trai trẻ mới độ đôi mươi đang khéo léo bày biện đèn nháy cho cây quất cảnh, trong tôi trào dâng một niềm xúc động, xen lẫn với tự hào- tự hào vì tuổi trẻ Ninh Thuận đã vững tin nắm chắc tay súng gìn giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 9-1, tàu chúng tôi đến với 2 điểm Đá Đông B và Đá Đông C. Đây là hai điểm đảo chìm trong cụm đảo chìm Đá Đông (A, B và C). Gió cấp 6, giật cấp 7, những con sóng bạc đầu dâng cao từ 2 đến 3 mét. Tàu HQ 571 phải dừng cách đảo chìm khoảng 4 hải lý để thả nổi vì độ nước sâu, không thể thả neo. Hôm nay là ngày đảo Đá Đông C đón 3 niềm vui lớn. Thứ nhất, đảo được đón đoàn công tác đất liền và quà Tết Ất Mùi; thứ hai, có 3 đồng chí được bổ nhiệm chức vụ mới: Thượng úy Đặng Văn Thương được bổ nhiệm Chính trị viên, Thượng úy Quách Văn Huỳnh được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng, Trung úy Đào Hồng Nguyên bổ nhiệm Chỉ huy phó. Thứ ba, Trung úy Nguyễn Doãn Kháng, quê xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương vừa nhận được tin vợ ở quê nhà sinh con gái đầu lòng ngay sáng hôm nay. Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông C cho biết cả đảo “vui như Tết” ngay từ khi mới thức dậy. Trước cuộc trùng phùng quá nhiều tin vui, nét rạng rỡ hiện rõ trên những khuôn mặt, Nguyễn Doãn Kháng ôm chầm lấy chúng tôi và sung sướng cho biết sáng nay cả đảo đã ngồi lại cùng dự kiến sẽ đặt tên cho nàng “công chúa đảo” là Nguyễn Võ Trâm Anh.

Ngày thứ 5 trên biển, mới đến với điểm đảo thứ 4 trên hành trình 12 điểm đảo mà Tàu 571- Trường Sa sẽ đưa chúng tôi đến mà đã vô số những niềm vui, những nụ cười. Giữa muôn trùng sóng bể mà lòng thấy bình yên thanh thản lạ thường. Khi xuồng chuyên dụng CQ đưa chúng tôi từ điểm Đá Đông C ra Tàu 571, những con sóng cao thốc thẳng vào thành xuồng và hung hãn hất nước trùm lên như muốn nhấn chìm cả chúng tôi xuống biển. Nghe như trong vị mặn của biển khơi có vị mặn của mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người con đất Việt đã đổ xuống để truyền nối nhau từ đời này qua đời khác giữ gìn từng tấc đất, vùng biển cha ông để lại.