Đậm đà hương vị món ăn ngày tết

(NTO) Ẩm thực ngày Tết từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Trải qua thời gian, tuy cuộc sống người dân đã đủ đầy hơn, nhưng những món ăn ngon ngày Tết vẫn được lưu giữ, làm nên “hồn” Tết Việt.

Bánh chưng là món ăn đặc trưng và điển hình nhất trong ngày Tết cổ truyền. Quy trình làm bánh chưng từ khâu sơ chế, gói, luộc bánh thể hiện tính cộng đồng cao, thường đòi hỏi sự phối hợp của nhiều người. Trong nhịp sống bận rộn của thời hiện đại, nhiều gia đình thường chọn cách mua bánh làm sẵn để tiết kiệm thời gian. Cũng vì vậy mà có những gia đình làm nghề gói bánh chưng chuyên nghiệp quanh năm.

 

Bà Chiến tất bật gói bánh chưng cung cấp ra thị trường trong dịp Tết.

Gia đình bà La Thị Chiến (phường Bảo An, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã có 2 đời chuyên làm nghề gói bánh chưng, riêng bà Chiến đã có thâm niên 23 năm trong nghề. Hiện nay, mỗi ngày gia đình bà Chiến gói 35 kg gạo nếp, tức khoảng 200 chiếc bánh chưng, bánh tét đủ các kích cỡ. Ngày tết, nhu cầu người dân đặt bánh nhiều nên lượng bánh cũng tăng lên. Năm nay gia đình bà gói trên 8 tạ nếp, khoảng 2.800 bánh để bán ra thị trường theo đơn đặt hàng từ trước. Giá bánh năm nay không tăng so với năm ngoái, vẫn ở mức từ 30-50 ngàn đồng/cái, tùy loại. Tuy số lượng bánh rất lớn, lại nhiều kích cỡ, nhưng đôi bàn tay lành nghề cho phép bà không cần dùng khuôn vẫn gói bánh đều, chắc, vuông vắn và đủ trọng lượng. Chia sẻ về bí quyết gói bánh chưng, bánh tét ngon, bà Chiến cho biết: Bí quyết để bánh giữ được màu xanh và có mùi thơm là không phơi lá, khi luộc bánh phải lót dưới đáy một lớp lá riềng. Quá trình luộc bánh phải để lửa liu riu, để các hạt nếp mềm nhừ thấm vị thơm bùi, béo của đậu xanh và thịt, trở thành hương vị độc đáo. Để giữ nghề từ nhiều năm nay, bà chú tâm dạy cho con, cháu cách làm nghề truyền thống.

Cũng là món ăn phổ biến trong ngày tết, nhưng nem chả có khá nhiều loại để lựa chọn: phổ biến nhất là chả lụa, chả bò, chả thủ và nem chua. Mỗi loại nem chả đều có một hương vị riêng, nhưng theo chị Trương Thị Thanh Hòa, chủ cơ sở nem chả Huy Hoàng ( phường Bảo An, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), điều quan trọng để món ăn ngon và hấp dẫn là phải chọn thịt thật tươi, không sử dụng hương liệu, màu nhân tạo hay hàn the. Chị Hòa cho biết: Sau khi về làm dâu, được mẹ chồng truyền dạy bí quyết làm chả. Ban đầu, chỉ làm khoảng 3kg chả/ngày. Nhưng dần dà với chất lượng đảm bảo, sản phẩm của gia đình được nhiều người biết đến, nên hiện nay trung bình cơ sở của mình cung cấp ra thị trường khoảng 60kg chả/ngày. Ngoài ra gia đình còn chế biến nhiều mặt hàng mới hấp dẫn khách hàng đặt mua ngày Tết như nem chua, chả thủ…

“Để làm chả lụa, thịt đem cắt miếng vừa, xay nhuyễn với một lượng mỡ vừa phải, nêm nước mắm ngon và hạt tiêu thơm, cay. Khoanh chả ngon là khi xắt ra, có màu trắng ngà, bề mặt có bông mỡ và có một vài lỗ rỗ mới là đạt” – Chị Hòa chia sẻ bí quyết.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và giới thiệu hương vị nem chả Phan Rang đến với người tiêu dùng cả nước, chị Hòa đã có kế hoạch xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và quảng bá sản phẩm của cơ sở rộng rãi hơn để cung cấp cho các hệ thống siêu thị trên địa bàn.

Ngày tết, các món ăn thường nhiều mỡ, giàu đạm, mọi người thường dùng những món dưa muối chua để trung hòa và kích thích vị giác. Ở tỉnh ta, người dân cũng thường chuộng món dưa kiệu để thêm sắc màu và hương vị cho mâm cỗ tết, mặc dù đây là món ăn khá cầu kỳ trong khâu chế biến. Chị Trương Thị Thu Hương (phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) sau khi được bà ngoại truyền dạy đã phát huy được tay nghề, làm dưa khá thành thục. Chị Hương cho biết: Kiệu chọn loại một, củ to, chắc, trắng đều, cắt bớt rễ và thân, đem ngâm trong nước tro cho bớt mùi hăng, sau đó rửa sạch, đem phơi gió cho khô se. Tiếp đến lột bỏ vỏ lụa, cắt lại phần thân, rễ kiệu bị héo cho đẹp mắt rồi cho giấm pha đường và muối vào, chờ 2 ngày sau vớt kiệu ra, lọc giấm lại cho trong rồi xếp vào lọ là dùng được.

Ngoài bánh chưng, bánh tét, giò chả, dưa chua, ngày Tết còn có nhiều món ngon phong phú khác cũng không kém phần hấp dẫn. Trong đời sống tất bật của xã hội hiện đại, ít gia đình có thời gian tự chuẩn bị đầy đủ các món ăn cho ngày Tết, thay vào đó, chọn mua các loại bánh, chả đã chế biến sẵn. Dù chọn cách nào, những món ăn truyền thống mang đậm phong vị Tết vẫn không thể thiếu trên mâm cỗ. Mỗi món ăn góp thêm màu sắc, hương vị và mang một ý nghĩa riêng, gửi gắm những mong ước về năm mới tốt đẹp, phúc lộc tràn đầy.