Lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Tối 31/1, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, Nghệ An, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ vinh danh và đón nhận bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tối 31/1, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, Nghệ An, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ vinh danh và đón nhận bằng của UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chương trình được truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và chứng kiến lễ vinh danh di sản văn hóa đặc biệt này.

Lễ trao Bằng công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa
phi vật thể đại diện nhân loại - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tham dự buổi lễ còn có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu; các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam; bà Katherine Muller Marin-Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; các Câu lạc bộ dân ca 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, khi trèo non, lội suối. Vì vậy, các điệu hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, giặm ru, giặm kể, giặm vè…

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp. Đây là sự khẳng định của quốc tế đối với loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, đồng thời giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.

Việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh thực sự là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà của cả nước. Từ đây dân ca Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới, thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại.

Phát biểu tại lễ vinh danh, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng cả 5 tiêu chí để trở thành di sản đại diện của nhân loại và được các thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá cao. UNESCO mong muốn chính quyền và người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp để phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.

Sau phần Lễ công bố quyết định của UNESCO, trao bằng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ lòng biết ơn nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã sáng tác ra dân ca Ví, Giặm; trân trọng cảm ơn UNESCO, các tổ chức quốc tế đã ủng hộ để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, không ngừng đưa nền văn hóa Việt Nam hòa chung trong dòng chảy văn minh nhân loại, tạo nền tảng tinh thần và động lực xây dựng và phát triển đất nước.

Sau lễ vinh danh là chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền Ví, Giặm”, mang đến cho khán giả những giá trị độc đáo của loại hình di sản này. Chương trình cũng là dịp để khán giả giao lưu với các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian; các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam / TTXVN