Thị trường thời trang nhộn nhịp mùa Tết

(NTO) Dịp giáp Tết, mặt hàng thời trang chiếm lĩnh thị trường với đủ các kiểu dáng. Sức mua của người tiêu dùng tăng khiến các shop, cửa hàng, siêu thị… đua nhau tung ra các mẫu mã đa chủng loại. Chị Hồng Loan, tiểu thương chợ Phan Rang cho biết: “Dịp tết năm nay, bên cạnh những sản phẩm nhập ngoại, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng Việt Nam xuất khẩu, chất lượng cao.

Vào những ngày cuối năm, lượng hàng nhập về tăng 40%, lượng người mua cũng tăng trên 45% so với mấy tháng trước”. Các sản phẩm trong nước đã được cải tiến nhiều về mẫu mã, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, chất liệu vải thoáng, mềm, giá rẻ hơn so với hàng ngoại nhập nên được nhiều khách hàng lựa chọn. Ngoài các mặt hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu, các loại hàng do những cơ sở may nhỏ lẻ trong nước cung ứng cũng được bày bán khá nhiều ở các chợ. Giá hàng Việt Nam xuất khẩu từ 170.000 đồng đến 350.000 đồng/áo, quần, váy; hàng của các cơ sở may nhỏ lẻ giá từ 120.000 đồng đến 300.000 đồng/bộ tùy kích cỡ; áo thun, áo sơ-mi nam giá từ 170.000 đến 350.000, quần tây, kaki, jeans nam giá từ 250.000-450.000/quần…

Người tiêu dùng mua sắm trang phục chuẩn bị đón tết Ất Mùi- 2015. Ảnh: Sơn Ngọc

Các cửa hàng, shop quần áo trên các đường Thống Nhất, Ngô Gia Tự, 21 Tháng 8... khá tấp nập. Vừa lựa quần áo, vợ chồng anh Võ Duy Hưng (đường Thống Nhất) vừa cho biết: “Quần áo tại các shop giá tương đối cao, nhưng mẫu mã phong phú, đường may kỹ và đẹp, tốn một chút nhưng vừa ý”. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi, giảm giá tại các điểm bán trên nhiều tuyến đường phố chính của thành phố cũng góp phần khiến thị trường quần áo Tết càng “nóng” lên.

Hiện nay, một số người tiêu dùng còn chọn cách mua quần áo trên mạng. Bởi một số sản phẩm bán qua mạng có giá mềm hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các chủ hàng online cũng thường xuyên cập nhật sản phẩm mới, tiếp nhận thông tin, trả lời về sản phẩm và sẵn sàng giao dịch ở bất cứ nơi nào có mạng Internet. Nhiều khách hàng ít có thời gian đi mua sắm, chọn cách xem hàng trên mạng, đặt hàng, có người giao tận nhà. Tuy thuận tiện, nhưng nhiều người mua hàng bằng hình thức này lắm khi “dở khóc, dở cười” vì hàng không được như ý, như quảng cáo.

Tết là dịp để thúc đẩy thị trường hàng hóa sôi động hơn. Người tiêu dùng có dịp mua sắm, người kinh doanh có dịp mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để thị trường mang đúng nghĩa vui Xuân, người kinh doanh cần tạo uy tín bằng chính sản phẩm chất lượng của mình với giá cả hợp lí; người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo trong chọn hàng để tránh tình trạng “tiền một đằng, của một nẻo”.