“Nở rộ” hàng vỉa hè dịp cuối năm

(NTO) Nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp cuối năm là cơ hội để việc kinh doanh hàng hóa “hái ra tiền”. Không những các cửa hàng, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ,… tấp nập hàng hóa Tết, mà không khí mua bán hàng rong trên vỉa hè, lề đường cũng nhộn nhịp không kém.

Bắt đầu tầm 4, 5 giờ chiều, trên hầu khắp các con phố, những người bán hàng vỉa hè lại lục tục sửa soạn, bày biện hàng hóa. Chỉ cần chọn một địa điểm có nguồn sáng tương đối, vỉa hè rộng, đoạn phố đông dân cư, hoặc lưu lượng xe cộ nhiều,… là có thể trải một tấm bạt hoặc dựng những cây móc quần áo để “chưng” hàng, chào mời khách.

Hàng vỉa hè tuy giá rẻ, tiện lợi nhưng lại gây ra nhiều bất cập trong quản lý trật tự đô thị.

“Lợi thế” của hàng vỉa hè là giá rất mềm. Chỉ vài chục nghìn đồng cho một chiếc áo, vài chục nghìn một đôi dép thời trang, chiếc thắt lưng hay cái ví da. Mặt khác, hàng vỉa hè “đánh” trúng tâm lý chung ưa sự linh hoạt, tiện lợi của phần đông người tiêu dùng. Chỉ cần tấp xe vào lề, lựa chọn hàng hóa theo nhu cầu, sở thích, vừa tiện đường lại mau lẹ, không tốn nhiều thời gian. Đây cũng là lý do chính khiến hoạt động kinh doanh này tồn tại và có “sức sống” lâu đối với người tiêu dùng.

Hầu hết những người bán hàng rong, hàng vỉa hè thuộc nhóm đối tượng có vốn kinh doanh ít, khả năng đầu tư và cạnh tranh không cao. Thế nên, trong thị trường bán lẻ, nhóm kinh doanh này “nhắm” vào người tiêu dùng bình dân, chuộng hàng giá rẻ. Chị D., chủ một hàng giày dép trên đường Ngô Gia Tự, cho biết: Mặc dù vốn ban đầu không nhiều, nhưng vì bán chậm nên cũng “chôn” vốn khá lâu. Bán hàng vỉa hè thì luôn phải “chuẩn bị” tâm lý cho việc bị đuổi, bị phạt, thu giữ hàng. Bị phạt nhiều lần và được lực lượng chức năng hướng dẫn những vị trí được phép bán hàng trên vỉa hè, chị D. đã chuyển về đường Ngô Gia Tự. Chị D. cũng cho biết thêm, đa số những người bán trên vỉa hè đều phải thuê “mặt bằng” của các nhà ngay vị trí đó, mặc dù vỉa hè không phải tài sản của họ.

Ngày 29-6-2012, UBND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm đã ban hành Quyết định 1851/2012/QĐ-UBND về “Danh mục các tuyến đường đô thị được sử dụng lòng đường làm nơi để xe và sử dụng vỉa hè, lòng đường tạm thời làm nơi kinh doanh buôn bán trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm”. Theo đó, một số tuyến đường phổ biến hoạt động kinh doanh buôn bán như Thống Nhất, Ngô Gia Tự, Quang Trung, Võ Thị Sáu, Trương Thị Định,… vẫn “chấp nhận” việc buôn bán hàng rong trên vỉa hè, với điều kiện phải đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dành ít nhất 1,5 m bề ngang vỉa hè (tính từ mép lòng đường) cho người đi bộ, giới hạn giờ kinh doanh là trước 9h và từ 16 – 22 giờ. Tuy nhiên, thực tế, không khó để bắt gặp những hàng quần áo, giày dép, thắt lưng, ví da,… ở khắp các tuyến đường lớn, nhỏ của Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, không ít trong số ấy đã lấn chiếm gần như toàn bộ vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Trong khi đó, những người mua sắm tại các hàng này cũng dừng xe ngay dưới lòng đường, không đảm bảo ATGT.

Trên thực tế, việc quản lý hàng rong, hàng vỉa hè gặp rất nhiều khó khăn. Vì các chủ hàng này không đăng ký kinh doanh nên không thể quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng cũng như giá cả. Người tiêu dùng cũng “đánh cược” đồng tiền với sự may rủi, nếu mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng thì cũng đành “ngậm ngùi”, không biết tìm ai để mà “bắt đền”…

Việc tăng cường các biện pháp quản lý theo hướng phù hợp, vừa đảm bảo tạo điều kiện cho các tiểu thương nhỏ lẻ kinh doanh, vừa đảm bảo quản lý được chất lượng, xuất xứ hàng hóa, tuy là việc rất khó nhưng lại hết sức cần thiết cho một thị trường bán lẻ lành mạnh, ổn định.