Có một nền văn minh lúa rẫy

(NTO) Pa dhai vanh là loại lúa được trồng ở lưng chừng núi, trên đại ngàn Bác Ái. Người Raglai coi cây lương thực này là sự kết tinh của “trời đất”, nên rất quý trọng.

Pa dhai vanh là loại lúa được trồng ở lưng chừng núi, trên đại ngàn Bác Ái. Người Raglai coi cây lương thực này là sự kết tinh của “trời đất”, nên rất quý trọng.

Cuối năm, về các xã vùng cao Phước Tân, Phước Thành, Phước Đại… gặp những già làng hàn huyên chuyện nương rẫy, mới hay trong nền nông nghiệp tiên tiến hiện nay, Pa dhai vanh mà người Raglai từng ví như “hạt ngọc trời” đang dần mất. Năm 2006, khi nước hồ Sông Sắt vào đến nương rẫy, bà con Bác Ái chuyển sang canh tác lúa nước, sử dụng giống mới năng suất cao nên Pa Dhai Vanh vì thế lùi vào dĩ vãng.

Một trong số ít nông dân Raglai hiện còn làm lúa rẫy là anh Pi-năng Bưu ở thôn Châu Đắc. Người “lưu luyến” với tập quán canh tác “chọc lỗ, tra hạt” nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đại. Cái lý để anh Bưu “níu giữ” Pa Dhai Vanh là vì không muốn để mất giống cây trồng quý, gắn liền với lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào vùng cao. “Lúa rẫy mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, năng suất thấp, tôi ngưng làm đã lâu. Gần đây nhờ cán bộ hướng dẫn ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, mùa vụ nào lúa, bắp cũng chất đầy nhà, “cái bụng” không đói nữa, nhưng mình cũng lên rẫy trồng Pa dhai vanh để nhắc nhở lớp trẻ đừng quên loại lương thực nuôi sống đồng bào Raglai một thời, làm “ấm lòng” cán bộ Cụ Hồ ở chiến khu Bác Ái xưa” - anh Bưu, tâm sự.

Nông dân huyện Bác Ái thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Thanh Long

Khu vực trồng lúa rẫy của anh Bưu rộng khoảng 1.000m2, nằm gần núi Gà Bây, cách thôn Châu Đắc chừng 20 phút đi bộ. Do đám lúa nằm lọt giữa rừng núi, xung quanh cây cỏ dại mọc lưa thưa, nên người lạ lần đầu đến có cảm giác hoang vắng, ngay vợ con anh cả mùa rẫy đằng đẳng hàng tháng trời cũng chưa một lần lui tới.

Nghe anh Bưu kể chuyện “đặc tính” của Pa dhai vanh có nhiều điều khác lạ so với các loại giống lúa nước đang canh tác hiện nay. Thời gian sinh trưởng loại lúa sống ở môi trường khô hạn này kéo dài 8 tháng. Đầu vụ, vào tháng 3 dương lịch thời tiết nóng bức, hạt giống nằm im dưới đất, đến khi có trận mưa đầu mùa lúa nảy mầm ngoi lên như cây đậu, cây bắp. Lúa cứ thế phát triển dần, tự thích nghi với môi trường tự nhiên, không cần đến sự chăm sóc của con người. Cuối năm, tầm tháng 11, 12 khi khí trời ở núi rừng Bác Ái chuyển sang se lạnh, Pa dhai vanh đã cao vượt ngực người, bắt đầu trổ đòng, làm hạt. Có lẽ Pa dhai vanh hấp thụ được tinh túy của “trời- đất”, nên hạt to, dài, khi dùng cối chày đôi giã có màu trắng đục, thổi cơm có mùi thơm ngào ngạt.

Giống lúa Pa Dhai Vanh hạt to, dài, thổi cơm có mùi thơm.

Để sử dụng loại gạo quý này, việc đầu tiên sau mùa vụ là các gia đình tổ chức Lễ hội “Ăn mừng lúa mới”, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng xanh tốt. Anh Bưu, cho biết: Đồng bào Raglai có quan niệm nếu không tổ chức lễ hội tạ ơn giàng (trời), tạ ơn “lúa mẹ” thì vụ mùa tiếp theo sẽ bị chim chóc, sâu bệnh, thú rừng phá hoại. Chính vì vậy, khi xưa ở vùng đồng bào Raglai những tháng cuối năm nhà nhà rộn ràng chuẩn bị lễ vật bước vào mùa lễ hội.

Đồng chí Trần Văn Toàn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bác Ái, cho biết: Lễ hội “Ăn mừng lúa mới” được người vùng cao xem như Tết cổ truyền, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Raglai. Đây là dịp bà con gặp gỡ, chung vui uống rượu cần, đánh mã la, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng giúp nhau trong lao động sản xuất. Nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa của người Raglai, ngành chức năng đã có kế hoạch sưu tầm hạt giống Pa dhai vanh, duy trì tập quán làm lúa rẫy, phục vụ loại hình du lịch “homestay” đang thịnh hành hiện nay.