Tiếng gà quê ngày giáp tết

(NTO) Trời bỗng dưng trở lạnh. Sương mù cứ lãng bãng, lãng bãng trôi khắp vòm cây, ngọn cỏ. Tiếng ngoại tôi vọng lại bảo mẹ tôi lo nhốt mấy con gà trống choai chuẩn bị cho ngày cúng tiễn ông Táo về trời.

Cái đất trời mấy ngày giáp Tết cũng tự dưng trở nên vô cùng thiêng liêng. Và hình như cái không khí của những ngày giápTết cũng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Đi nhẹ, nói khẽ, mọi người đối với nhau hòa nhã hơn ngày thường. Hình như ở vào những ngày giáp năm này, ai cũng muốn mọi người được hài lòng nhau.

Mấy chục năm xa quê của tôi là mấy chục năm rộn ràng, nao nao mỗi khi cận Tết. Tôi bắt đầu cảm thấy mình “về nhà” từ khi nhìn dáng ba tôi đứng lẫn vào dòng người đông đúc đi đón người thân trên ga. Cái dáng tất bật í ới gọi như sợ thằng con trai đã lớn tồng ngồng không nhìn thấy mình của ba khiến tôi cay cay sống mũi. Bước xuống ga tàu vào ngày gần cuối tháng Chạp trong cơn gió se lạnh và mưa bay lất phất, tôi ngồi sau lưng ba chạy xe chầm chậm dọc theo con đường về nhà vàng ươm hoa cúc và những chậu quất sai quả. Nhiều năm qua, cuộc sống có những đổi thay nhưng cái ngõ nhỏ nhà quê thân thương này dường như vẫn thế, vẫn cho người ta cái cảm giác vừa nhớ nhung vừa tha thiết.

Vườn nhà bên vẳng lại tiếng gà gáy xế. Con gà mái mơ hình như chẳng cần quan tâm đến cái thời tiết buổi giao mùa ngoài đàn con của nó. Thỉnh thoảng tiếng túc túc gọi con của nó đến chia phần con mồi mà từ hồi nãy giờ nó vẫn mải mê đào bới. Bên cạnh, con gà trống vẫn hùng dũng oai vệ đứng canh chừng cho mẹ con mái mơ. Thỉnh thoảng lại vươn cổ kéo dài một hơi ó ò o thật là ra dáng một chàng đàn ông mẫu mực. Tôi bỗng nhớ đến cái dáng ngoại tôi cứ tất bật bên những hàng chuối sứ, thỉnh thoảng lại xuýt xoa khi nhìn những tàu lá xác xơ vì gió. Gió gì mà gió dữ thần vậy không biết. Cứ thế này thì không biết có còn tàu lá nào nguyên vẹn để gói bánh không nữa. Ngoai lẩm ba lẩm bẩm than phiền.

Ngoại tôi hết tha thẩn bên vườn chuối, xuýt xoa, tiếc rẻ vì những tàu lá chuối bị những cơn gió làm cho tơi tả, lại lân la đến bên cội mai già rồi nhắc đám trẻ nhà tôi coi mà tưới tắm cho cẩn thận để nở hoa cho kịp tết. Hàng trầu không mấy ngày nay bị cơn gió chướng cuối mùa làm cho vật vã cả lên mà thấy thương cho những hàng cau cứ hết bị gió quăng hết bên này đến ngã nghiêng bên kia. Đám vạn thọ cuối vườn bắt đầu lác đác nở những bông hoa vàng rực, đám vạn thọ mà ngoại tôi chăm chút từng ngày để làm sao thì làm đến đêm ba mươi cúng giao thừa cũng phải có một bình hoa vạn thọ dâng lên ông bà trong cái thời khắc giao mùa thiêng liêng ấy. Phải công nhận cái mùi thanh khiết cuả bình hoa vạn thọ ngoại tôi cúng trong đêm giao thừa sao mà thơm đến thế không biết. Quyện trong mùi thơm của nhang, trầm, thì mùi thơm của hoa vạn thọ thật là đặc biệt. Vì thế mà sau này, cho dù có đi xa quê bao lâu, thì đêm 30 tết, tôi cũng phải lùng cho bằng được một chậu vạn thọ để trên bàn thờ nhà mình.

Mấy chục năm xa quê là mấy mươi năm bon chen ở chốn phồn hoa đô hội. Sống trong nhưng bươn chải lo toan, mải mê với chuyện cơm áo, gạo tiền khiến cho tôi đôi khi quên đi những cái gì thuộc về xưa cũ. Vậy mà chiều nay. Khi nghe tiếng ò ó o cất lên từ vườn nhà hàng xóm, tôi bỗng nhớ da nhớ diết hình dáng của ngoại, của mẹ tôi vào những ngày giáp tết như thế này. Cơn gió bấc thoảng qua khiến cho tôi rùng mình bước nhanh vào trong nhà đem theo tiếng gà quê ngày giáp tết