Đi tìm “đàn dê trắng” trong “giấc mơ Chapi”

(NTO) Là một trong những vật nuôi chủ lực của địa phương, con dê đã trở nên quá quen thuộc với người dân Ninh Thuận. Tuy vậy, hình ảnh “đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi” trong bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sỹ Trần Tiến vẫn còn là một “ẩn số” đối với nhiều người. Có hay không “đàn dê trắng” như những ca từ trong “Giấc mơ Chapi” nên thơ ấy?

Nhân lúc tiết trời đã ấm áp trở lại, thiên nhiên dần chuyển sang xuân, chúng tôi quyết định làm một chuyến “du xuân” về xã Ma Nới (Ninh Sơn), nơi được mệnh danh là “xứ sở Chapi”, để tìm những đàn dê trắng. Ma Nới mùa xuân mang nét đẹp vùng cao quyến rũ, khiến lữ khách luôn có cảm giác như “lạc” vào một miền ôn đới tiên cảnh.

Nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn đàn Chapi.Ảnh: Sơn Ngọc

Con đường uốn lượn giữa núi rừng trùng điệp mang không khí tươi mát trong lành đặc trưng của vùng cao. Hai bên đường, cỏ dại nở hoa thành từng vạt, xen lẫn màu hồng tím của cỏ hồng và những khóm xuyến chi vàng trắng. Cố gắng quan sát để không bỏ lỡ “một đàn dê” nào đó ở lưng chừng đồi, chúng tôi bắt gặp những bầy chim ríu rít mùa “yêu đương”, thi thoảng cũng gặp vài ba con bò được cột ven rừng… Thung lũng Ma Nới hiện ra trong nắng sớm tươi màu, hân hoan trong niềm vui ngày mùa thu hoạch bắp lai của bà con nơi đây.

Ma Nới là xã có trên 900 hộ dân, đều là người Raglai, sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Đây cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Sơn. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đồng thời triển khai thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, Dự án Hỗ trợ Tam nông,… mà bộ mặt địa phương đã có nhiều khởi sắc. Trẻ con được đến trường đầy đủ, hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu được cải thiện, hoạt động sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống người dân từng bước ổn định. Những mái nhà ngói đỏ với xe gắn máy và các tiện nghi sinh hoạt gia đình như ti vi, tủ lạnh,… ngày càng phổ biến trong đời sống của bà con.

Dê núi Ma Nới thương hiệu đặc sản của địa phương.

Khi nghe chúng tôi bày tỏ ý định đi tìm “đàn dê trắng”, anh Kiều Thành Dàng, cán bộ nông nghiệp của xã nở nụ cười hóm hỉnh: “Dê trắng hả? Có, Ma Nới có dê trắng đấy!” Mừng như mở cờ trong bụng, chúng tôi háo hức “đòi” anh kể chuyện nuôi dê của bà con Raglai nơi đây. Anh cho biết: Ma Nới là nơi có địa hình và đặc điểm khí hậu khá đặc thù, nhiệt độ tương đối thấp so với những vùng khác trong tỉnh. Do vậy, giống dê núi ở đây có khả năng thích nghi cao, chất lượng thịt thơm ngon hơn. Trước đây, một số mô hình nông nghiệp cũng triển khai nuôi giống dê bách thảo dưới đồng bằng nhưng không thành công, dê dễ bị bệnh và chết vì khí trời quá “mát”. Thế là, Dự án Hỗ trợ Tam nông đã “rút kinh nghiệm” khi xây dựng các nhóm đồng sở thích chăn nuôi dê núi ở Ma Nới. Dự án đã cấp cho các hộ nông dân 84 con dê, đều là giống dê núi địa phương, vốn đã thích nghi với điều kiện sống ở đây. Tổng đàn dê của xã hiện có khoảng trên 300 con. Về màu lông, dê núi Ma Nới cũng giống với đa phần dê ở đồng bằng, thường có màu lông đen hoặc lang đen - trắng. Những con có màu lông trắng toàn thân cũng có, nhưng rất ít, tỷ lệ khoảng từ 10 - 20%, phân bố không đều ở các đàn. Do vậy, có đàn không có dê trắng, cũng có đàn dê trắng chiếm phần đông. Anh Dàng cũng khẳng định từng nhiều lần nhìn thấy bà con ở đây “lùa” những đàn dê như thế vào sớm mai, khi tia nắng đầu ngày vươn nhẹ trên cỏ cây hãy còn đọng sương. Bà con thường chăn thả dê trên rẫy, trên đồi, rồi xế chiều lại lùa về.

Định hướng phát triển nông nghiệp của xã xác định xây dựng thương hiệu dê núi Ma Nới thành thương hiệu đặc sản địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng và số lượng đàn dê ở đây sẽ được nâng cao, đời sống của bà con Raglai sẽ ngày càng sung túc, đủ đầy hơn. Những “đàn dê trắng nhở nhơ quanh đồi” vẫn sẽ còn ở thung lũng thơ mộng này, điểm xuyến cho bức tranh vùng cao thêm phần lãng mạn, để dệt thêu những “giấc mơ Chapi” réo rắt thiết tha, lôi cuốn lòng người.