Vấn đề hôm nay:

“Học ăn, học nói...!”

(NTO) Có một số người cho rằng, đặt ra vấn đề văn hóa nơi công cộng sẽ là... thừa, bởi lẽ đến thời điểm hiện tại, hầu như mọi người tham gia sinh hoạt tại các nơi công cộng đều có trình độ học thức, mà đã có học thức nghĩa là nhận thức của chính bản thân về những hành vi nên hay không nên làm trước đám đông, nơi công cộng... Đó là suy diễn theo “chuỗi” lôgic thuận. Thực tế cuộc sống có khi lại khác, mà điều này thường rơi vào giới trẻ- giới được cho là có học thức khá cao. Tuy nhiên, giữa học thức với hành vi ứng xử không phải bao giờ cũng đi đôi với nhau.

 
Người dân mua hàng tại Trung tâm thương mại Maximark Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Mới đây, cùng với một số người bạn ở tỉnh ngoài đến thăm đi Trung tâm Thương mại Maximark mới khai trương không lâu, trước là để... khoe về sự phát triển cũng “ngang tầm” hiện đại của thành phố quê mình, sau là dạo xem thử có gì hay như quảng cáo hay không!. Đúng là “hoành tráng” không thua kém ai-như lời những người bạn nhận xét. Người đến trung tâm này dạo xem và mua sắm cũng đông vô kể. Đây là minh chứng xác thực nhất cho sự phát triển cả đời sống kinh tế và tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung. Nhiều du khách nước ngoài cũng đến để “chiêm ngưỡng” và mua sắm nhưng có lẽ dạo xem nhiều hơn, bằng chứng là ít thấy có mặt tại quầy tính tiền...

Có điều, tại siêu thị hay thì có hay nhưng… đúng là ồn hơn vỡ chợ. Khác với ở chợ, tiếng ồn ào chủ yếu là ngã giá giữa người mua và người bán tạo nên, còn ở siêu thị hay trung tâm thương mại tiếng ồn ào có... “đẳng cấp” hơn, đó là trao đổi, giao tiếp giữa người quen, hoặc người trong gia đình... tự nhiên như đang ở nhà vậy. Đáng nói là nhiều nhóm trẻ “nam thanh, nữ tú” càng tự nhiên hơn cả, nào là kêu réo, cười đùa, la ó... như chốn không người. Đáng nói là những hành vi đó đã làm cho nhiều du khách nước ngoài phải nhăn mặt, lắc đầu... Có lẽ họ nghĩ đang đi lạc vào “hành tinh” tự do với văn hóa tự phát theo bản năng con người chăng!. Ngẫm lại mà thấy buồn. Có dịp đi nhiều nơi trong tỉnh, nơi tôn nghiêm như di tích tâm linh, đến thắng cảnh, những nơi công cộng, cả quán ăn, cà phê, siêu thị... hầu như giới trẻ đều tự do quá trớn, từ hành động đến ngôn ngữ, không cần biết quanh mình còn có ai không?. Có một số người đứng tuổi gặp cảnh này than phiền và cho đây là “minh chứng” của sự xuống cấp đạo đức xã hội. Tôi thì không quá “võ đoán” như vậy, nhưng đúng là một số giới trẻ thiếu giáo dục căn bản về “phẩm hạnh” cũng như nhận thức, kỹ năng giao tiếp xã hội, tại chốn đông người.

Người xưa thường nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Những điều tưởng là sơ đẳng đó nhưng thật ra không đơn giản chút nào. Muốn trở thành con người hoàn thiện, có nhân cách không cần học đâu xa mà chỉ cần học 4 từ trên là đủ. Điều đó cho thấy sự thâm sâu của tiền nhân. Mong sao mọi người nói chung, giới trẻ nói riêng cần nhìn lại mình để có ứng xử văn hóa hơn trong chốn đông người với bắt đầu từ… học ăn, học nói...!.