Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 24-1

Sự kiện:

- Ngày 24-1-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 13-SL quy định về cách tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán. Nền Tư pháp Việt Nam bắt đầu được thành lập từ Sắc lệnh này. Điều 47 Sắc lệnh quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã khẳng định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Điều 25 Sắc lệnh này quy định: “Khi các Phụ thẩm nhậm chức, tại phiên toà đầu, ông Chánh án sẽ mời các Phụ thẩm tuyên thệ, nội dung lời tuyên thệ là “Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc…”. Có thể nói, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý sắc bén khẳng định tính chính nghĩa, tinh thần chuộng lẽ phải của chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng.

- Ngày 24-1-1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thơ chúc tết tới đồng bào chiến sĩ cả nước, nhân Tết Nhâm Thìn. Trong thơ, Người viết:“Xuân này, xuân năm Thìn Kháng chiến vừa 6 năm/ Trường kỳ và gian khổ. Chắc thắng trăm phần trăm. Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới / Thắng lợi ắt về ta. Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”. Từ năm 1942-1969, Người đã viết 22 bài thơ chúc Tết đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Những vần thơ đó đã thấm sâu vào ký ức của mỗi người dân Việt Nam.

- Ngày 24-1-1977: Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra nghị định thành lập 10 khu rừng cấm. Bao gồm: Đền Hùng (Lâm Thao - Phú Thọ), Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng), Tân Trào (Sơn Dương-Tuyên Quang), Đảo Ba Mùn (Cẩm Phả - Quảng Ninh), Ba Bể (Chợ Rã - Bắc Cạn), núi Ba Vì (Ba Vì - Hà Tây), núi Tam Đảo (Lập Thạch - Vĩnh Phúc, huyện Sơn Dương - Tuyên Quang, huyện Đại Từ - Thái Nguyên), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), khu rừng thông ba lá quanh thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

- Ngày 24-1-2007: Kết thúc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Hội nghị ra Nghị quyết: Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 Về điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Về phương hướng bầu cử và chuẩn bị nhân sự Quốc hội khóa XII; Về đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội.

- Ngày 24-1-2014: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 186/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020. Quyết định nêu rõ: Xây dựng 5 đảo Thanh niên thành các cụm dân cư mới có quy hoạch đồng bộ, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của biển đảo Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, các đảo được xây dựng mới thành đảo Thanh niên gồm có: Đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; Đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; Đảo Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Các đảo tiếp tục đầu tư xây dựng gồm: Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng; Đảo Thanh niên Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Quyết định cũng quy định tiêu chí và định hướng xây dựng đảo Thanh niên, nội dung đầu tư trên đảo Thanh niên, giải pháp thực hiện Đề án, tổ chức thực hiện Đề án.

Nhân vật:

- Ngày 24-1-1968: Ngày hy sinh của chiến sĩ cách mạng Bùi Ngọc Dương. Bùi Ngọc Dương sinh năm 1943, tại Hà Nội. Năm 1966, anh tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, sau đó nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Tháng 1-1968, anh chỉ huy trung đội công binh mở đường cho xe tăng đánh vào sở chỉ huy Mỹ - Ngụy tại tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Hiên ngang đứng trên xe tăng đánh địch phản kích, một mảnh đạn phạt trúng một cánh tay anh gần đứt hẳn. Anh quay lại nói với người đồng đội chặt hộ cánh tay bị thương cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu. Tiếp tục bị thương vào chân, anh vẫn dựa lưng vào thành công sự, tiếp tục chỉ huy trận đánh. Vì những vết thương quá nặng, anh hy sinh trong vòng tay đồng đội. Anh được tôn vinh là La Văn Cầu của Hà Nội trong Kháng chiến chống Mỹ. Bùi Ngọc Dương được mệnh danh là “La Văn Cầu” thời chống Mỹ. Tháng 11-1969, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên của anh được đặt cho một đường phố ở Hà Nội.

Theo TTXVN