Nuôi bò sinh sản để thoát nghèo ở Vĩnh Hải

(NTO) Năm 2011, Sở Lao động Thương binh và Xã hội hỗ trợ số tiền 500 triệu đồng để huyện Ninh Hải triển khai dự án cho đồng bào Raglai ở 2 thôn Cầu Gãy, Đá Hang, xã Vĩnh Hải vay không tính lãi để mua bò nuôi (10 triệu đồng/hộ). Theo đó, BCĐ giảm nghèo huyện phối hợp với xã tổ chức họp dân và công khai xét chọn những hộ khó khăn, có khả năng, kinh nghiệm tham gia dự án, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Để dự án mang lại hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ vốn, BCĐ giảm nghèo huyện, xã cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc; hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh... Anh Lê Thành Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp, người dânchú tâm chăm sóc, nên từ 50 bò nái sinh sản ban đầu, đến nay đưa tổng đàn lên 119 con.

Đàn bò của nông dân xã Vĩnh Hải sinh trưởng tốt giúp bà con giảm nghèo.

Thăm hộ anh Pi Pun Quý, ở thôn Cầu Gãy, anh tâm sự: Sau 3 năm chăm sóc, gia đình mình đã có 3 con bò trị giá trên 30 triệu đồng. Từ nay, nhà có cái ăn, cái mặc, không còn lo nữa. Tương tự, chị Tà La Thị Sự, ở thôn Đá Hang phấn khởi cho biết: Từ hai bàn tay trắng, năm 2011, được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò cái và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nay bò mẹ sinh được 2 bê. Giờ có được tài sản trên 30 triệu đồng, đời sống gia đình đã cải thiện nhiều.

Từ khi dự án được triển khai, nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại trong đồng bào Raglai nơi đây cũng dần thay đổi khi được thụ hưởng các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, bà con tích cực vươn lên để thoát nghèo và biết coi trọng việc cho con đến trường học tập. Trong số 50 hộ được chọn tham gia dự án, đã có 7 hộ thoát nghèo; hơn chục hộ giảm nghèo.

Theo anh Trần Hoài Nam, Phó trưởng Phòng LĐ-TB & XH huyện, các dự án giảm nghèo vùng đặc thù và mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống cho người dân.

Hiệu quả là vậy, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy địa phương và người dân đang trực diện với khó khăn cần được tháo gở. Theo chu kỳ, dự án hết hạn và sẽ thu hồi vốn cuối năm 2014. Do chu kỳ của dự án ngắn, một số hộ đang rơi vào tình cảnh là bê con sinh ra bị chết và chỉ còn lại bò mẹ hay có hộ nuôi thì bò mẹ bị dịch bệnh chết, nay không có khả năng hoàn trả vốn...

Thiết nghĩ, để dự án trở thành trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, được tiếp tục nhân rộng tại xã Vĩnh Hải nói riêng và toàn tỉnh nói chung, thì nên kéo dài chu kỳ lên 5 hoặc 6 năm. Có như vậy, người dân được thụ hưởng mới có thời gian và điều kiện thuận lợi vươn thoát nghèo bền vững trong tương lai.