Sức bật từ hai chữ Nhân dân lần đầu tiên được viết hoa trong Hiến pháp

(NTO) Lần đầu tiên trong Hiến pháp, đạo luật gốc của một Nhà nước, hai chữ “Nhân dân” được viết hoa. Cùng với Đảng và Nhà nước, vai trò, vị trí của Nhân dân trong Hiến pháp năm 2013 được nâng lên một tầm cao mới, hai chữ “Nhân dân” vừa là từ tượng hình cho tầm vóc của Nhân dân Việt Nam trong lịch sử lập hiến, trong khí thế của thời kỳ mới, vừa là từ tượng thanh cho sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo quần chúng Nhân dân cho một bản Hiến pháp là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân trong thời đại mới.

Theo Hiến pháp 2013, bên cạnh chữ viết hoa lâu nay vẫn dùng khi nói đến Đảng và Nhà nước, lần đầu tiên hai chữ “Nhân dân” cũng được viết hoa một cách trang trọng. Tại Điều 2, Điều 4 Hiến pháp đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Như vậy, vị trí, vai trò của Đảng, của Nhà nước đối với sự tồn vong của dân tộc Việt Nam là điều đã được khẳng định, không chỉ trong Hiến pháp, mà còn trong xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, trong hình ảnh của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân Việt Nam hiện lên như hình ảnh của cội nguồn cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi; của Nhà nước Việt Nam, một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Vai trò, sức mạnh của quần chúng Nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta, trong suốt cuộc đời vì nước, vì dân của Người, xem là lực lượng vô tận của cách mạng và nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của dân tộc ta đã khẳng định một chân lý rằng, thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là nhờ ở sức dân. Người cho rằng khả năng to lớn của Nhân dân là không có lực lượng nào có thể sánh kịp. Người khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ các giá trị trong truyền thống dân tộc: “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân” [Nguyễn Trãi: “Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước” trích trong bài thơ “Quan Hải” của Nguyễn Trãi], “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.215 -]. Trong tư tưởng của Người, dân là gốc của nước, là nguồn sức mạnh, là lực lượng to lớn của Đảng, của cách mạng. Trí tuệ và năng lực sáng tạo của Đảng đều bắt nguồn từ quần chúng Nhân dân. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “công - nông là gốc của cách mệnh” và trong quá trình phát triển của cách mạng, Người thường xuyên nhắc nhở “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không làm nên”; “nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân” [Trích: “Bài thơ cổ động”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.879 -].

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh vĩ đại của Nhân dân đã được cụ thể hóa trong xuyên suốt các bản Hiến pháp. Điều này đã được khẳng định ngay trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013 khi cô đọng vai trò, vị trí của Nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam;… dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân… Bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, được sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới, Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Hiến pháp năm 2013 là một thành tựu, bước ngoặc mới trong kỹ thuật lập hiến. Việc đề cao chủ quyền Nhân dân qua hai chữ “Nhân dân” được viết hoa trong Hiến pháp nhằm khẳng định bản chất của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Với vị trí, vai trò đã được ghi nhận của Nhân dân, Hiến pháp cũng khẳng định một cách trang trọng, thiêng liêng rằng “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013). “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (Điều 3, Điều 4, Điều 8 Hiến pháp năm 2013).

Đất nước lại sống trong không khí của mùa xuân mới đang về – Xuân 2015. Trong khí thế thi đua, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam, hai chữ Nhân dân viết hoa một lần nữa sẽ là nguồn động viên, sức mạnh to lớn cho Nhân dân Việt Nam vượt qua mọi phong ba, bão táp, cùng đóng góp sức mình cho hình ảnh một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đối với tỉnh ta, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân trong tỉnh, là động lực to lớn cho niềm tin của Nhân dân tỉnh nhà về những thắng lợi to lớn hơn nữa, những bước phát triển mới cho hình ảnh một Ninh Thuận là điểm đến trong tương lai. Những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân là một minh chứng rõ nét cho nhận thức đúng đắn về sức mạnh vô hạn của Nhân dân.