Kế hoạch: Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(NTO) Thực hiện Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (sau đây viết tắt là Kế hoạch), với các nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích:

a) Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13) và Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) (sau đây viết tắt là Quyết định số 01/QĐ-TTg);

b) Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc góp ý Bộ luật dân sự (sửa đổi);

c) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, Mặt trận, Hội, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân đối với việc góp ý Bộ luật dân sự (sửa đổi).

2. Yêu cầu

a) Bám sát nội dung Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 và Quyết định số 01/QĐ-TTg;

b) Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi);

c) Các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp;

d) Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi);

đ) Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I năm 2015.

II.  Nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian lấy ý kiến

1. Nội dung lấy ý kiến

Nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bao gồm:

a) Lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), gồm: Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật dân sự. Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm được xác định trong Phụ lục II kèm theo Kế hoạch này;

b) Các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh, các tổ chức xã hội tổ chức lấy ý kiến về các nội dung được xác định tại điểm a Mục này; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung lấy ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình và những vấn đề mà cơ quan, đơn vị, ngành quan tâm;

c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến về các nội dung được xác định tại điểm a Mục này; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở địa phương và những vấn đề mà địa phương quan tâm.

2. Hình thức lấy ý kiến

a) Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được đăng tải toàn văn trên Báo Nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận. Các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh, các tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đăng tải dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và địa phương để phục vụ cho việc lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị và địa phương mình.

b) Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua các hình thức sau đây:

- Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản;

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm;

- Thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; thông qua Hội nghị phổ biến, hướng dẫn góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); qua các phương tiện thông tin đại chúng;

- Các hình thức phù hợp khác.

c) Ý kiến của Nhân dân trong tỉnh góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gửi đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nơi cư trú; gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Tư pháp theo địa chỉ: số 94 - đường 16/4, phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận hoặc qua hộp thư điện tử: sotp@ninhthuan.gov.vn hoặc sotp.pbgdpl@gmail.com.

3. Đối tượng lấy ý kiến

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bao gồm:

- Đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban nhân dân các cấp;

- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác;

- Các doanh nghiệp;

- Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, luật sư, luật gia;

- Các tầng lớp Nhân dân.

4. Thời gian lấy ý kiến

a) Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 05 tháng 01 năm 2015 và kết thúc vào ngày 05 tháng 4 năm 2015.

b) Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 9 năm 2015 theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn. Các ý kiến góp ý của Nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định.

III.  Phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện

1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ban, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch này và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi);

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai tổ chức phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh.

c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) với thành phần là: Đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, đại diện Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể, các huyện, thành phố, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh;

d) Tập hợp, tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo báo cáo kết quả lấy ý kiến của các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; ý kiến của các tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp và qua đường bưu điện về Sở Tư pháp; qua Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh;

đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh;

e) Lập dự toán kinh phí và đề xuất việc huy động nhân sự nhằm đảm bảo giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh đúng tiến độ, đúng nội dung hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch này.

2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Hội, đoàn thể có trách nhiệm triển khai nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại Kế hoạch này, gồm các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý;

- Tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình theo hình thức thích hợp;

- Chỉ đạo xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và gửi đến Sở Tư pháp để tổng hợp (Mẫu báo cáo theo phụ lục I kèm theo Kế hoạch này).

Tổ chức pháp chế thuộc các Sở, ban, ngành, Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại Kế hoạch này, gồm các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) ở địa phương mình;

- Tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) với thành phần là: Đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các phòng, ban thuộc huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; một số chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn và một số cử tri;

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn;

- Xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gửi về Sở Tư pháp (Mẫu báo cáo theo phụ lục I kèm theo Kế hoạch này).

Phòng Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

5. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc bố trí kinh phí để triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo Kế hoạch này.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận có trách nhiệm:

a) Tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) để cung cấp thông tin phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của Nhân dân;

b) Mở chuyên trang, chuyên mục để phản ánh, đưa tin, đăng tải kịp thời các ý kiến đóng góp, những sáng kiến, đề xuất của Nhân dân về việc sửa đổi Bộ luật dân sự và tập hợp ý kiến góp ý gửi về Sở Tư pháp.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức triển khai công tác lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành cấp Trung ương.

IV. Chế độ thông tin và thời gian gửi báo cáo

1. Chế độ thông tin

a) Các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố gửi báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) về quá trình tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần thông tin kịp thời cho Sở Tư pháp, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.

b) Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải dựa trên Đề cương báo cáo theo Phụ lục I kèm theo Kế hoạch này và gửi về Sở Tư pháp trước ngày 07 tháng 4 năm 2015.

c) Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) để gửi Bộ Tư pháp trước ngày 15 tháng 4 năm 2015.

2. Thời gian thực hiện các công việc cụ thể như sau

a) Từ ngày 12/01 đến ngày 16/01/2015: Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh;

b) Từ ngày 16/01 đến ngày 31/3/2015: các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi);

c) Chậm nhất là ngày 06/4/2015, các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố gửi Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) về Sở Tư pháp để tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Tư pháp.

V. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm bố trí đủ nhân lực, bảo đảm các điều kiện kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho việc lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

3. Để kịp thời triển khai các hoạt động phục vụ việc lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Lê Văn Bình