Chuyện chăn nuôi dê cừu

 Theo chân “du mục”

Từ Ninh Sơn, rẽ qua Bác Ái, gặp anh Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, anh cho biết: Đây là vùng khô hạn nhất. Năm nay, các hồ chứa đã cạn hết nước. Mùa này thất bát nhưng cũng may là ở đây còn có con dê, con cừu, con bò chăn thả. Ở Bác Ái, đặc biệt là Phước Trung, việc chăn nuôi dê, cừu khá phổ biến. Nhà ít thì vài chục con, nhà nhiều thì trăm, vài trăm, cá biệt có nhà ngàn con như trang trại của ông Hòa, ông Dưỡng, ông Bảy, ông Sơn. Bác Ái là huyện miền núi, nhiều gò đồi chăn thả, nên không ít người nơi khác đến đây lập trang trại, thuê người chăn nuôi. Giá thuê chăn 100-200 ngàn đồng/con/năm, tùy đàn nhiều hay ít. Chăn khoảng 200 con, được khoảng 20 triệu tiền công/năm và cũng khoảng chừng đó tiền bán phân. Thu nhập từ chăn nuôi, kể cả chăn thuê đã góp phần tăng thu nhập cho người dân.

 

Ninh Thuận được “mệnh danh” xứ sở của dê, cừu.
Những đàn dê, cừu lặng lẽ, bình thản giữa những đồng đất mênh mông
đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở miền nắng gió này.

Theo chân anh Đào Văn Duy, lùa đàn cừu về trang trại ở thôn Rã Giữa. Câu chuyện dọc đường, chúng tôi được biết Duy năm nay 26 tuổi, theo nghề này cũng lâu rồi. Đàn cừu 120 con, mỗi năm tiền công được 19 triệu, tiền bán phân cũng được hơn chục triệu nữa. Ở thôn Đồng Dầy, chúng tôi ghé vào trang trại của ông Hòa, trại này tới cả ngàn con. Anh Đảo Văn Phúc cho biết, đã làm cho ông Hòa 6 năm rồi, nhà cửa, ruộng vườn ở quê giao cho con gái, con rể. Chủ ở xa, đây chỉ là trang trại. Ông chủ làm dãy nhà cho 3 hộ ở trông nom đàn cừu. Ngoài tiền công, thỉnh thoảng chủ cũng cho thêm chút ít, tết nhất cũng đầy đủ. Tôi hỏi: “Chăn thế này có bao giờ bị mất cừu không?”, “Có chứ, thỉnh thoảng cũng bị mất đấy”. “Thế có phải đền không?”, “Theo thỏa thuận, mất phải đền, nhưng thực ra đã đền bao giờ đâu, không may thì mất thôi, chủ cũng thông cảm”. “Đông hàng trăm, hàng ngàn con thế này, mất một hai con, làm sao biết?”, “Biết chớ, thuộc từng con chớ”. Hàng ngày anh Phúc đi chăn thả đàn cừu, vợ ở nhà vừa trông con vừa chăm sóc cừu đẻ. Việc chăm cừu con cũng kỹ như chăm con nhỏ ấy, có khi mùa khô thiếu thức ăn, nước uống, cừu mẹ không có sữa, phải cho cừu con uống thêm sữa bò. Chúng tôi gặp hai mẹ con chị Bi, cũng chăn thuê ở khu Đồng Dầy, chị cho biết, mỗi năm được 13 triệu tiền công, chồng đi làm thuê chỗ khác, cộng lại cũng tạm trang trải cho cả nhà 5 miệng ăn.

Thoát nghèo, làm giàu từ dê, cừu

Ninh Thuận là vùng đất nắng nóng quanh năm, lượng mưa rất ít, chỉ trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng đất đai trải rộng từ vùng núi, gò đồi đến đồng bằng ven biển, thích hợp cho việc chăn thả, phát triển gia súc như bò, dê, cừu… Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp – PTNT, cho biết: Khí hậu nắng gió, khô hạn nhưng dê, cừu thích hợp và phát triển tốt. Chẳng thế mà cũng con giống ấy đem về đây thì lớn nhanh, to đến 30-40 kg, đem đến chỗ khác nuôi thì chẳng ra gì. Con dê, con cừu đến Ninh Thuận từ rất sớm, riêng con cừu thì đã ở đây cả trăm năm. Có người bảo do một dòng tộc người Ấn đem đến, lại có người bảo chúng theo những đoàn tàu từ châu Âu sang… Xuất xứ thì không dám chắc, nhưng biết chắc rằng chúng thích nghi và phát triển tốt trên đất Ninh Thuận. Tuy nhiên, đàn dê, cừu ở đây, nói chung nông dân cứ tự xoay xở, phát triển theo phong trào. Lúc giá cao thì phong trào lên, lúc giá xuống thì phong trào “xẹp”. Cả tỉnh có lúc lên đến 200 ngàn con (khoảng năm 2002-2003), nhưng sau đó (từ năm 2005) giảm và duy trì ở mức 150 ngàn con (trong đó, cừu khoảng 60-70%). Nhiều nhất là Ninh Phước, trên 20 ngàn con, Thuận Nam 15 ngàn con, sau đó là Ninh Hải, Phan Rang, Ninh Sơn, Bác Ái.

So với các con vật khác thì nuôi dê, cừu dễ hơn, bởi chúng là loài ăn tạp, ít bệnh. Có thể nuôi ở vùng núi, gò đồi, hay đồng bằng. Chính vì vậy hầu như xã nào, huyện nào của Ninh Thuận cũng có đàn dê, cừu. Ngày trước đất đai, rừng bạt ngàn thì chăn thả rông, cho chúng tự kiếm ăn, nay bớt bạt ngàn thì trồng thêm cỏ, cho ăn thêm cám. Ngày lùa ra đồng cho chúng kiếm ăn, chạy nhảy, tối cho về chuồng nằm sàn khô ráo, sạch sẽ. Người đi chăn cũng sáng đi tối về, đỡ vất vả hơn trước. Làm ăn lớn thì trang trại lớn, 5-7 trăm, một ngàn con, trị giá hàng tỷ đồng, làm ăn nhỏ thì vài chục con. Có thể nuôi sinh sản, hoặc nuôi thịt. Nơi nào rộng (như Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái) thì nuôi sinh sản, đồng bằng ít chỗ chăn thả, tiện giao thông, thị trường thì nuôi thịt. Một con dê, cừu nuôi khoảng 7-8 tháng thì bắt đầu sinh sản. Hai năm 3 lứa, đến khoảng 12-15kg là có thể bán để nuôi thịt, vỗ béo khoảng 3 tháng, to gấp đôi (25-28kg) là bán được khoảng 2,5-2,8 triệu đồng/con. Ít vốn thì chỉ cần khoảng chục triệu là có được 5 - 6 con giống, rồi nhân đàn hoặc bán thịt. Dồn một lúc bán thì nhiều tiền, còn rải rác thì hàng tháng cũng có mấy triệu chi tiêu trong nhà. Đây cũng là sinh kế, cơ hội để nhiều hộ thoát nghèo...

Trên đường về, chúng tôi vẫn nhớ tâm sự trăn trở của ông Lê Niên, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn-Chủ trang trại chăn nuôi dê, cừu lớn ở Ninh Sơn: “Dê, cừu là con vật hầu như được nuôi khắp tỉnh. Nếu như có cơ chế chính sách tốt về hỗ trợ giống, đồng cỏ chăn nuôi, cơ sở giết thịt, đầu ra sản phẩm, vật nuôi này sẽ giúp người dân trong tỉnh làm giàu, thoát nghèo bền vững”