Khai thác lợi thế phát triển kinh tế biển

(NTO) Tỉnh ta có 5 huyện, thành phố nằm dọc theo bờ biển dài hơn 105 km, với vùng đặc quyền kinh tế rộng 24.480 km2 và diện tích vùng biển nội thuỷ 1.800 km2, vì vậy kinh tế biển có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Là ngư trường khai thác lớn của cả nước, với trữ lượng 120.000 tấn hải sản, vùng biển tỉnh ta có nhiều tiềm năng lợi thế đang dần được đánh thức bởi một số chương trình, dự án đầu tư lớn. Từ thực tế điều kiện tự nhiện, việc tập trung phát triển ngành Thủy sản được nhấn mạnh trong phát triển kinh tế biển ở tỉnh ta, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản với mục tiêu hướng ra khơi xa.

Ảnh: Lê Văn Hùng 

Trong mùa vụ khai thác cá năm qua, dù thời tiết, ngư trường có những diễn biến bất thường, nhưng ngư dân vẫn đánh bắt hiệu quả với tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh lên khoảng 71.655 tấn, vượt 4,64% kế hoạch và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Một bộ phận ngư dân tỉnh nhà đã vươn ra khai thác tại các ngư trường vùng biển Trường Sa- giàn khoan DK1, chủ yếu là các tàu nghề lưới rê nilon của ngư dân phường Mỹ Đông (Phan Rang-Tháp Chàm). Đáng chú ý là dấu hiệu khởi sắc trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, thu hoạch tôm thương phẩm đã đạt sản lượng 8.940 tấn (bao gồm 140 tấn tôm sú và 8.800 tấn tôm thẻ chân trắng), vượt 12% kế hoạch; về sản xuất tôm giống, đã sản xuất 24,1 tỷ con (trong đó tôm thẻ giống là 19 tỷ con), vượt 21% kế hoạch năm.

Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, năng lực khai thác hải sản trong tỉnh đã tăng mạnh từ 30-40 tàu/năm, tăng chủ yếu ở nhóm tàu có công suất từ 200 CV trở lên. Với sức phát triển đó, đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng các cảng, bến cá đồng bộ để khai thác hải sản, đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế biển. Theo đó, trong định hướng thời gian tới, tỉnh ta đang quy hoạch đầu tư các dự án: Nâng cấp bến cá Mỹ Tân lên cảng cá loại II, nâng cấp cảng cá Cà Ná lên cảng cá loại I (có khả năng mở rộng sức chứa khoảng 1.200-1.300 tàu công suất đến 800-1000CV); nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện cảng cá Đông Hải; xây dựng bến cá Sơn Hải. Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải biển, hiện nay Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh lập Dự án xây dựng cảng vận tải Ninh Chử đến năm 2020; phối hợp với Cảng vụ Nha Trang, Cục Hàng hải Việt Nam để hoàn tất thủ tục thông báo luồng hàng hóa đối với cảng và tham mưu lập quy hoạch chi tiết 1/500 cảng Ninh Chử.

Chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến đánh bắt xa bờ. Ảnh: Hữu Thành

Có thể thấy để đánh thức tiềm năng kinh tế biển, ngoài khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản, tỉnh ta đang hướng đến dịch vụ vận tải biển. Nếu nhìn theo góc độ vị trí địa lý, có thể thấy huyện Ninh Hải và huyện Thuận Nam là trọng điểm phát triển kinh tế biển bởi chiếm phần lớn chiều dài bờ biển. Dù cả 2 huyện đều có tiềm năng về du lịch biển nhưng tùy theo lợi thế, mỗi địa phương sẽ lựa chọn trọng tâm phát triển, hoặc du lịch hoặc công nghiệp biển. Biển Ninh Hải có nhiều bãi rạn san hô, có ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế, song điểm nổi bật chính là các cảnh quan bãi biển thơ mộng nên Ninh Hải có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển. Huyện Thuận Nam có 3 xã ven biển, theo định hướng ưu tiên phát triển tiềm năng và thế mạnh về kinh tế biển đến năm 2020, Thuận Nam đang tập trung phát triển các ngành Công nghiệp biển và Du lịch biển, trọng tâm là chế biến thủy sản, dịch vụ cảng biển, thương mại, vận tải biển và dịch vụ hậu cần nghề cá. Như vậy có thể thấy tuy vẫn coi du lịch là lợi thế, nhưng để phát triển kinh tế biển, Thuận Nam lưu ý nhiều hơn các ngành Công nghiệp biển.

Những ngày giáp xuân Ất Mùi, đi trên tuyến đường ven biển đoạn Vĩnh Hy-Bình Tiên và Sơn Hải-Mũi Dinh vừa hoàn thành, chúng tôi có dịp đứng từ các đỉnh đèo nhìn xuống biển nước bao la, không khỏi bồi hồi trước cảnh quan hùng vĩ của thiên nhiên. Một mai khi hạ tầng cảng cá đầu tư hoàn chỉnh, không chỉ góp phần thúc đẩy khai thác hải sản bứt phá, vươn lên, hình thành trung tâm thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn kết hợp với tuyến đường ven biển tạo ra các khu dân cư, các thị tứ và các điểm du lịch mới. Là một phần của biển Đông Tổ quốc, vùng biển tỉnh ta cùng vỗ chung nhịp sóng và đang từng bước kết nối với sự phát triển kinh tế biển cả nước.