Ăn “chơi” nhưng ngộ độc “thiệt”!

(NTO) Vào trung tuần tháng 1 vừa qua, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 2 người phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, may là không xảy ra tử vong. Nguyên nhân của vụ ngộ độc, theo báo cáo của Sở Y tế là do 2 người cùng ăn cá khô tại một quán ăn bên đường ở Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm).

Sau khi ăn “ai về nhà nấy” thì đều xảy ra triệu chứng tê môi, tê lưỡi và khó thở... Có thể nói, nếu chủ quan, không kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị thì hậu quả sẽ khó lường. Qua vụ việc này đã tiếp tục gióng lên “hồi chuông” báo động về việc người tiêu dùng quá thờ ơ khi sử dụng các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc... mặc dù báo chí và cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo.

Thực tế trong cuộc sống, nhiều người vẫn thường có thói quen “ăn vặt”, từ me, cốc,... ngâm chua, làm mứt đến các loại hải sản phơi khô được bày bán rất nhiều nơi, nhất là những nơi công cộng, có đông người tụ tập sinh hoạt, vui chơi như công viên hay Quảng trường 16 Tháng 4 là một minh chứng.

Tâm lý số đông là chỉ ăn “chơi” cho “vui miệng” nên không đến nỗi gì phải sợ!. Thực tế là nếu sử dụng thực phẩm không sạch, hải sản lạ, chứa độc tố như cá nóc hay bị ẩm mốc do để lâu, thậm chí là tẩm ướp hóa chất độc hại đến nỗi ruồi, kiến cũng “không dám” bén mảng tới thì... ngộ độc là “thật” chứ chẳng chơi như 2 trường hợp đề cập ở phần trên. Qua tìm hiểu, rất nhiều người bán hàng cũng không rõ là những thực phẩm này nguồn gốc ở đâu, có bảo đảm an toàn hay không mà chủ yếu chỉ biết giá mua vào rẻ, tẩm ướp “bắt mắt” người dùng là được!. Có người còn cho rằng: -Lâu nay bán cho rất nhiều người đâu thấy có ai bị gì, nhiều người còn là khách hàng “ruột” là đằng khác. Hóa ra, người bán cũng quá tự tin và người mua cũng quá chủ quan để “đánh cược” bằng chính sức khỏe của mình mà bất chấp hậu quả xấu có thể trước mắt hoặc tiềm ẩn lâu dài.

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để hạn chế tình trạng nói trên, bảo vệ được sức khỏe người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới?. Quả thật không dễ nếu như thiếu các biện pháp cần thiết như cùng với đẩy mạnh truyền thông để khuyến cáo người dân cảnh giác trước những thực phẩm không biết rõ, không an toàn... thì cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý những điểm bán thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh, kể cả điểm “buôn thúng, bán mẹt” ở vỉa hè, bán dạo... đến các cửa hàng ăn… Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là: Tự mỗi người tiêu dùng phải cảnh giác cao, biết quý trọng chính sức khỏe của mình bằng “tuyên ngôn” nói không với thực phẩm không an toàn.