Làm sao để bé đi ngủ đúng giờ?

Đa số trẻ em thích chơi khuya, không chịu đi ngủ đúng giờ bố mẹ quy định. Một số trẻ đã vào giường lại đòi uống nước, đi tiểu hoặc chơi đồ chơi... Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra thói quen có hại đối với sức khỏe. Có thể khắc phục bằng các biện pháp sau:

1. Tạo ra sự yên tĩnh dần

Không ai có thể làm cho một trẻ đang bị kích động ngủ được. Sau bữa cơm tối, nên có một hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng để trẻ được thư giãn, chẳng hạn như kể chuyện, xem một khúc phim hoạt hình ngắn, hoặc mẹ con tâm sự, trao đổi nhẹ nhàng... Không khí yên tĩnh êm ái được tạo ra sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn.

2. Cho trẻ đi tiểu, đánh răng và lên giường

Đa số trẻ em thích "nghi thức". Vì vậy, cần có một "quy trình" đưa bé lên giường và quy trình này phải được tuân thủ thường xuyên, chỉ trừ những sự kiện đặc biệt như ngày Tết, ông bà ở xa tới thăm. Bé sẽ quen và thích thú dần với việc thực hiện tuần tự các nghi thức: đánh răng, đi tiểu, nghe đọc truyện, được âu yếm và tắt đèn. Tùy theo nếp sống của từng gia đình mà lập ra các bước thích hợp.

3. Rời nơi con ngủ một cách dứt khoát

Truyện đã kể, búp bê đã đặt bên bé, sự âu yếm đã xong..., "quy trình" kết thúc. Đó là lúc phải tắt đèn với lời chúc ngủ ngon và rời nơi bé ngủ. Nếu kéo dài các hoạt động trên, nếu bạn tỏ ra chần chừ, bé sẽ cảm nhận được ngay và đòi kéo dài nữa thời gian thức. Nên đi khỏi một cách dứt khoát, không được thỏa hiệp với trẻ. Trẻ cần ngủ đủ thời gian và thấy an toàn trên giường. Quyết định của bạn sẽ chinh phục trẻ.

4. Điều khiển "quy tắc" một cách cương quyết

Nhiều trẻ đã vào giường nhưng vẫn chưa ngủ ngay mà tìm cách "câu giờ": khi thì đòi uống nước, lúc lại xin đi tiểu (mặc dù các việc này đã được thực hiện đúng "quy trình" trước đó). Nếu ta nhượng bộ, sự việc sẽ không bao giờ chấm dứt. Hãy kiên quyết không trở lại dù bé đòi. Chỉ cần nhượng bộ một lần, bé sẽ biết điều khiển bạn. Nên nhớ rằng một khi bạn trở lại giường của trẻ, bạn đã phần nào bộc lộ sự lo ngại và trẻ sẽ nhận ra. Nếu bạn cương quyết, trẻ sẽ tin cậy và ngủ yên hơn.

Nguồn: sức khỏe và đời sống