Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo”

(NTO) Ngày 28-12, tại Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chử, tỉnh ta phối hợp với Trung tâm Tư vấn Nghiên cứu phát triển miền Trung tổ chức Hội thảo“Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì hội thảo.
 
 
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.
 
 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
 
 
TS Trần Du lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP.Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng phát biểu tại hội thảo.
 
 
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Thuận; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và trường đại học; đại diện các tổ chức, các doanh nghiệp và hiệp hội; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng chủ trì Hội thảo, có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; TS Trần Du lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP.Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng; PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy chào mừng các đại biểu của các bộ, ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đến với Ninh Thuận. Mong rằng với tâm huyết của các vị đại biểu, sau Hội thảo, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để định hướng phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới nhanh và bền vững.

PGS. TS Phạm Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh
đóng góp ý kiến tại hội thảo.
 
 
TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến tại hội thảo.
 
 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp đã có đóng góp cho hội thảo.

Ninh Thuận có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chuỗi liên kết các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung; có đầy đủ các loại địa hình: Ven biển, đồng bằng, trung du và miền núi, đây là lợi thế không nhỏ cho phát triển kinh tế-xã hội. Từ thế mạnh của địa phương và định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút, mời gọi đầu tư nên đã có tác động mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Ninh Thuận vẫn là một tỉnh nhỏ, chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chậm, chưa có sự đột phá trong công nghiệp, dịch vụ để tạo động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tại hội thảo các đại biểu đã nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nhân trao đổi các ý tưởng và giải pháp để đưa Ninh Thuận phát triển trên cơ sở đánh giá, phân tích các lợi thế, tiềm năng, dự báo nhân tố mới, những khó khăn, thách thức; trong đó chú trọng vào các ngành, lĩnh vực: công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông-lâm-thủy sản và kinh tế biển. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu về cơ chế, chính sách, cải cách thể chế… nhằm hình thành các mô hình kinh tế phù hợp, thu hút nguồn lực đầu tư trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới để Ninh Thuận thực sự trở thành động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo.

 
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến, đề xuất giải pháp của các đại biểu về định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Mong muốn tiếp tục nhận được những đề xuất về phương án, biện pháp triển khai cụ thể để tỉnh có thể nghiên cứu và áp dụng vào thực tế. Lãnh đạo tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để lựa chọn những ý tưởng hay nhất, khả thi nhất để triển khai phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian đến. 

>> Mời xem video clip: Hội thảo "Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo"

-----------

BÀI PHÁT BIỂU KHAI MẠC HỘI THẢO 
CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐỨC THANH, BÍ THƯ TỈNH ỦY

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương;

- Thưa các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nguyên cứu;

- Thưa quý vị đại biểu;

Trước hết, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, các vị đại biểu, các quí khách, các cơ quan báo, đài đã đến dự Hội thảo "Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo" hôm nay.

- Kính thưa quí vị đại biểu:

Tỉnh Ninh Thuận có vị trí chiến lược và quan trọng, nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chuỗi liên kết các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung. Toàn tỉnh có 7 đơn vị hành chính, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của tỉnh. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.358 km2, dân số đến nay khoảng 590 ngàn người.

Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ra sức phấn đấu phát triển kinh tế xã hội đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Kinh tế của tỉnh Ninh Thuận có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 11,2%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng/người, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người dân ngày một nâng lên; y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển; quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Ninh Thuận đang còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: quy mô kinh tế của tỉnh nhỏ, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân có tăng nhưng không bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng lực cạnh tranh của tỉnh còn hạn chế…

- Kính thưa quí vị,

Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo” do tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trung tâm Tư vấn nghiên cứu phát triển miền Trung tổ chức là Hội thảo có quy mô lớn, thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đầu ngành nhất từ trước đến nay. Hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng mô hình phát triển nhanh và bền vững tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới, xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành kinh tế động lực … đưa Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tại hội thảo này, tôi mong các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp phân tích, dự báo các nhân tố mới, cơ hội mới và những khó khăn, thách thức thời gian tới, mạnh dạn và thẳng thắn đề xuất các ý tưởng sáng tạo,các giá trị mới có ý nghĩa hiện thực cao và các giải pháp hữu hiệu giúp tỉnh Ninh Thuận khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận nhanh, bền vững và có vị trí quan trọng trong khu vực Duyên hải miền Trung nói chung và cả nước nói riêng. Mong muốn của tỉnh là các câu hỏi thực tiễn đặt ra:

- Phát triển nhanh, bền vững thế nào?

- Nhận diện tiềm năng, lợi thế, cơ hội thế nào?

- Mô hình phát triển vĩ mô gắn với tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế gắn phát triển xã hội.

- Các đột phá cả về định hướng, giải pháp với cách tiếp cận mới có tính riêng biệt trong bối cảnh hội nhập và liên kết khu vực mạnh mẽ hơn.

Với tinh thần và ý nghĩa sâu sắc đó, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận và Ban tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, xin chúc các đồng chí lãnh đạo, cách chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các quí vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

-----------------

BIẾN NHỮNG Ý TƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO
TRỞ THÀNH HIỆN THỰC TRONG THỜI GIAN SỚM NHẤT

(Trích phát biểu bế mạc hội thảo của đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh)

...Sau 1 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, sáng tạo và đầy trách nhiệm, Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức Hội thảo, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, lãnh đạo các sở, ban, ngành; các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp; các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các vị khách quý đã đến tham dự, chuẩn bị 30 báo cáo tham luận và có 25 ý kiến tham luận tại hội thảo này; cùng các cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham dự, đưa tin trong suốt quá trình diễn ra Hội thảo. Tôi cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận và một số cơ quan có liên quan và Trung tâm Tư vấn – Nghiên cứu phát triển miền Trung trong việc tổ chức thành công Hội thảo này.

Mặc dù thời gian Hội thảo có hạn, nhưng kết quả đạt được như mục tiêu đề ra. Các diễn giả cũng đã đánh giá nhiều chiều, nhiều góc độ và đề ra nhiều vấn đề phát triển, quản lý trong thời gian sắp tới. Trong khuôn khổ Hội thảo, chúng ta đã nghe 2 báo cáo quan trọng, đó là sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận theo quy hoạch, nhìn lại và định hướng; Ninh Thuận-cách tiếp cận mới trong không gian hội nhập.

…Qua hội thảo, chúng tôi nhận thấy có 4 nội dung cơ bản tập trung cho Ninh Thuận trong thời gian sắp tới, đó là các lĩnh vực: Năng lượng, Du lịch, Nông nghiệp, Kinh tế biển và Công nghiệp... và gợi ý cho chúng tôi nhiều cách tiếp cận và các giải pháp phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, như là giải pháp về thể chế, liên kết hạ tầng, những chính sách đặc thù, các giải pháp về thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ... Với mỗi bài phát biểu, mỗi ý tưởng được đề xuất, chúng ta đã được nghe các ý kiến trao đổi, hiến kế từ phía các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nhân giúp hiện thực hóa ý tưởng của các tác giả. Các báo cáo, các tham luận và ý kiến phát biểu đều rất sâu sắc, thẳng thắn và chất lượng, nhiều tâm huyết…

Có thể nói, Hội thảo lần này là cơ hội rất tốt để những cá nhân, tổ chức tâm huyết với sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận cùng đề xuất, trao đổi các ý tưởng và giải pháp thiết thực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị kết thúc kế hoạch 5 năm (2011-2015), chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm sắp tới (2015-2020), tiến tới Đại hội Đảng các cấp theo Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.

Qua 1 ngày diễn ra Hội thảo, chúng tôi nhận thấy có những ý tưởng hay và giải pháp phát triển sáng tạo, nhưng điều chúng tôi thực sự quan tâm là làm thế nào để biến những ý tưởng và giải pháp ấy trở thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, sau Hội thảo này, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được từ quý đại biểu những đề xuất về phương án, biện pháp triển khai cụ thể, để tỉnh Ninh Thuận có thể nghiên cứu và áp dụng vào thực tế, đặc biệt trong thời điểm chuẩn bị kế hoạch 5 năm sắp đến. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng nghiêm túc tiếp thu, lựa chọn những ý tưởng hay nhất, khả thi nhất để triển khai phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian đến.

Để tiếp nối hội thảo này, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thống nhất trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai một số công việc sau:

Thứ nhất, Ban tổ chức Hội thảo, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp nội dung các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp đã trình bày để trình lãnh đạo tỉnh xem xét, lựa chọn và đưa vào nội dung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.

Thứ hai, trên cơ sở các ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn đã được trình bày, thảo luận tại Hội thảo, tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, phát triển thành các đề án hiện thực, giải pháp cụ thể để báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ ba, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tiếp tục mời gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp các ý tưởng và giải pháp xây dựng tỉnh Ninh Thuận hấp dẫn, sáng tạo và có giá trị, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Phát huy những kết quả đạt được từ Hội thảo, chúng tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm và đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành Trung ương, sự đóng góp hết mình của các chuyên gia, các nhà khoa học cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung phát triển nhanh và bền vững trong thời gian sắp đến. 

(*) Tựa đề của Báo Ninh Thuận.

TS. Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung:

Sau 4 năm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Quy hoạch, Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu đáng kể: Tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng trưởng GDP hằng năm của tỉnh đạt 12,2%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của 9 tỉnh vùng Duyên hải miền Trung và của cả nước. Tỉnh đạt được mục tiêu đa dạng hóa hoạt động phi nông nghiệp, hướng tới công nghiệp - xây dựng. Có nhiều cố gắng trong việc đổi mới tư duy kinh tế, xác định được các khâu đột phá quan trọng, bao gồm cả việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận (EDO) và nhìn nhận khách quan, xác định 3 trụ cột kinh tế mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh trong quá trình phát triển cơ cấu kinh tế.

Thời gian tới, Ninh Thuận cần ưu tiên đầu tư và có chính sách để phát triển 3 nhóm ngành: nông-ngư nghiệp; công nghiệp chế biến và du lịch. Gắn các mục tiêu phát triển ưu tiên với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, dựa vào vốn đầu tư như hiện nay sang phát triển dựa vào công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh cải cách về thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cần chú trọng, đẩy mạnh, khuyến khích và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, xem nguồn vốn đầu tư tư nhân là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Cần xây dựng chương trình cụ thể để tham gia vào các hoạt động liên kết vùng, liên kết với các địa phương trong xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… Về điều chỉnh quy hoạch, cần đánh giá lại cơ cấu từng nhóm ngành, tốc độ tăng trưởng và đặc biệt cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi. Trên cơ sở Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần xây dựng Đề án tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Ninh Thuận phù hợp với định hướng chung của cả nước; gắn với sự phát triển chung của vùng Duyên hải miền Trung.

PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Phát triển Du lịch:

Với tiềm năng du lịch khá toàn diện về loại hình thì việc xác định hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù chính là yếu tố quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Ninh Thuận, cũng như là căn cứ quan trọng cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tôi cho rằng để xây dựng các sản phẩm đặc thù du lịch của tỉnh, Ninh Thuận cần xác định lợi thế so sánh của điểm đến Ninh Thuận trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Nam Trung Bộ làm căn cứ “phân vai” và chia sẻ lợi ích trong xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch với các tỉnh trong vùng “tứ giác Du lịch” như đã nêu ra. Xây dựng một chiến lược khả thi về nâng cấp hạ tầng du lịch tạo sự liên kết về không gian giữa các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt cần tính đến việc ứng dụng sản phẩm của ngành Năng lượng sạch trong xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng để tạo sự khác biệt trong Du lịch công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành Du lịch của tỉnh.

Một số sản phẩm du lịch đặc thù mà theo tôi, Ninh Thuận nên tập trung nghiên cứu phát triển như du lịch sinh thái, đa dạng sinh học, sinh cảnh vũng vịnh, các rạn san hô của hệ sinh thái biển ven bờ; du lịch văn hóa trải nghiệm giá trị di sản văn hóa Chăm sống động; Du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm; Du lịch trang trại với trải nghiệm về cảnh quan, tìm hiểu phương thức canh tác, chế biến các sản phẩm từ cây, con đặc trưng… Ngoài ra phải kể đến ẩm thực đặc trưng cần được lồng ghép trong các thành phần của sản phẩm đặc thù để góp phần tạo nên bản sắc rất riêng của du lịch Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản:

Để khai thác hiệu quả và bền vững nguồn lợi thủy sản, Ninh Thuận cần tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản cả ở tuyến bờ, lộng và đặc biệt ở vùng khơi; hình thành kết cấu hạ tầng thủy sản đồng bộ, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần với khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản tại các trung tâm nghề cá; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản, thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc trưng của Ninh Thuận, nhất là Nhãn hiệu tập thể tôm giống Ninh Thuận nhằm khẳng định chất lượng, góp phần đảm bảo lợi ích cho người sản xuất, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc triển khai tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, về phía địa phương cần bố trí nguồn lực để xây dựng thêm các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phát triển thủy sản góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh như: các chính sách về cho thuê đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.

TS.Dương Đình Giám, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương:

Ninh Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư, cho nên muốn đưa ngành Công nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng cao, có lợi thế cạnh tranh thì không nhất thiết phải quan tâm đến khu Công nghiệp lớn hay nhỏ, mà vấn đề mấu chốt là phải xây dựng được nhiều “cửa mở” để tiếp xúc với thị trường chung của khu vực.

Muốn đạt được vấn đề này, tỉnh cần xác định đúng lĩnh vực lợi thế, để đổi mới xúc tiến đầu tư theo hướng liên kết vùng, kêu gọi phát triển các ngành chế biến từ sản phẩm dê, cừu; phát triển cơ khí, điện tử, dệt may, da giày, chế biến sản phẩm từ muối và sau muối. Mặt khác, tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng đánh giá và thẩm định các dự án, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách hài hòa trong thu hút đầu tư. Nếu giải quyết tốt vấn đề này, tôi cho rằng công nghiệp Ninh Thuận sẽ có tác động lan tỏa lớn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Đức Cường, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương:

Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch, thì trước hết tỉnh cần đẩy nhanh hoàn thành và công khai các quy hoạch chi tiết, nhằm tăng cường tính minh bạch. Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời, phải khảo sát thật cụ thể và chi tiết để công bố các khu vực tiềm năng gắn với quy hoạch đồng bộ phát triển thủy điện tích năng và giải quyết vấn đề môi trường, nhằm sử dụng hài hòa nguồn tài nguyên thiên nhiên này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia và của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh cần ưu tiên phát triển thêm một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch, giáo dục – đào tạo..., tranh thủ các hỗ trợ quốc tế về kỹ thuật để lập nhà xưởng, từng bước nội địa hóa dây chuyền sản xuất thiết bị, nhằm giảm giá thành sản xuất; đồng thời có chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư và có chính sách thuế khóa minh bạch, các thủ tục hành chính thật sự nhanh, gọn, tạo môi trường đầu tư công bằng, thuận lợi.

Ông Trần Minh Bình, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam:

Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tại Ninh Thuận được thành lập từ năm 2004, đến nay đã chiếm thị phần gần 12% trên địa bàn; các sản phẩm dịch vụ dành cho doanh nghiệp và cá nhân đều được chú trọng phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục bám sát các cơ quan hữu quan để tìm kiếm cơ hội tài trợ vốn cũng như cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận; cung cấp các gói tín dụng cho các đơn vị thầu của dự án, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương. Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, năng lượng mặt trời... VietinBank thiết kế các gói sản phẩm cho vay phù hợp với đặc thù doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với mảng khách hàng cá nhân, VietinBank Ninh Thuận rất quan tâm đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, vay chứng minh tài chính... với lãi suất cho vay hấp dẫn nhất trên địa bàn; đồng thời, cũng là ngân hàng đầu tiên và duy nhất triển khai dịch vụ thu phí đường bộ không dừng (OBU) dành cho ô-tô, phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ hiện đại của khách hàng cá nhân. Chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới, sự hợp tác giữa VietinBank với các doanh nghiệp đầu tư vào Ninh Thuận và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, khắng khít, bền chặt hơn nữa.