CẤU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Lúng túng trước “cánh cửa” tương lai!

(NTO) Mấy hôm rày ông bạn học cũ của tôi cứ “một hai” là phải gặp cho được để nhờ “tư vấn” giúp cho đứa con út của anh nên thi vào ngành gì, trường nào… ở kỳ thi cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) sắp tới đây, mặc dù con anh đang học trường chuyên và điều đó cũng có nghĩa là đã được xác định trước một bước!.

Hóa ra ông bạn nông dân này của tôi không chỉ giỏi về trồng nho, gieo lúa… mà còn rất quan tâm đến chuyện “tương lai” của con mình-Tôi nghĩ. Bạn nhờ tất nhiên phải giúp nhưng tư vấn ra sao khi tôi cũng rất “mù mờ” về thông tin tuyển sinh, sức học của cháu và cả mong muốn, sở thích được “nung nấu” trong suốt các năm học THPT?. Đành rằng chỉ là “hướng dẫn” nhưng không khéo ảnh hưởng cả tương lai của cháu sau này nếu… tư vấn không đầy đủ, thiếu chuẩn xác!. Quả là nan giải thật- Tôi than với ông bạn.

Các em học sinh lớp 12 tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Sơn Ngọc

Ngẫm lại thời học sinh của chúng tôi vào những năm đầu sau ngày giải phóng. Tuy không có quá nhiều thông tin về trường, ngành học như bây giờ nhưng đối với lớp cuối cấp ba nhà trường đều có thông báo các trường được nộp hồ sơ để thi trung học chuyên nghiệp, cao đẳng hay đại học với nhiều ngành học. Đáng nói là giáo viên chủ nhiệm rất nhiệt tình trong việc hướng nghiệp cho lứa học sinh chúng tôi mà căn cứ đầu tiên là ngành học theo phân ban, kế đến là căn cứ vào kết quả học tập các môn trong suốt 3 năm cấp ba và cả… tính khí từng học sinh để gợi ý nên thi vào ngành, trường cao đẳng hay đại học cho phù hợp và nắm chắc đã thi là phải… đậu. Bằng cái tâm của người thầy chủ nhiệm lớp cuối với nhiều kinh nghiệm đã trải qua với bao “chuyến đò” tri thức cộng với nổ lực trong học tập… nhiều lớp học trò chúng tôi đã chọn được hướng đi đúng, phù hợp với sở học, sở nguyện. Trong số đó cũng có khá nhiều người thành danh, giữ cương vị cao của tỉnh và một số ngành Trung ương… Còn nay thì sao?.

Đầu tiên là lúng túng như “gà mắc tóc” cả phụ huynh và học sinh giống như anh bạn tôi. Bởi lẽ việc hướng nghiệp trong nhà trường đối với học sinh chưa được chú trọng đúng mức!. Tâm lý chung là học sinh nào cũng mong muốn bước vào “ngưỡng cửa” trường đại học với ngành mình “ấp ủ”, yêu thích, hoài vọng mà quên rằng liệu có đủ “năng lực học tập” để bước qua ngưỡng cửa đại học hay chỉ ở mức “thường thường” bậc trung cấp!. Đối với giáo viên chủ nhiệm- người tư vấn trực tiếp thì đa phần “thờ ơ”, nếu có thì cũng mang tính gợi ý lấy có còn… “sống chết mặc bay”!. Bởi như có giáo viên từng tâm sự là không có nhiều thời gian để chuyên tâm tìm hiểu tư vấn giúp học sinh, hơn nữa hàng năm Bộ Giáo dục&ĐT thay đổi “xoành xoạch” quy định tuyển sinh nên không… theo kịp. Cũng có giáo viên “ỷ lại” là nhiều trường CĐ, ĐH hàng năm đều “chịu khó” đến các trường THPT trong tỉnh để “tư vấn mùa thi” nên cứ… để họ làm!. Mặt tích cực của cách làm này đã rõ nhưng nếu nhìn vào chiều sâu thì việc tư vấn đó phần nhiều “nghiêng” về giới thiệu cho học sinh về nhà trường hơn là tính hướng nghiệp. Và có quá nhiều trường giới thiệu, quảng bá với vô vàn “sắc màu” như về cơ hội được xét tuyển; tiếp sức mùa thi, tư vấn nghề…Thậm chí có một số trường còn mạnh dạn sẽ “giới thiệu việc làm, chổ làm” khi ra trường… nên học sinh cũng “rối”, không biết quyết định ra sao?.

Thiết nghĩ, có muôn vạn lối để bước qua cánh cửa tương lai, tuy nhiên với lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như người xưa từng nói, do vậy không thể các em tự quyết bằng sở thích mà không gắn với thực học, thiếu định hướng về ngành, nghề phải học để đáp ứng với nhu cầu xã hội cần. Cho nên, rất cần sự tham gia tích cực đầu tiên là nhà trường, đến gia đình trong việc tư vấn nghành học phù hợp để giúp các “cô tú, cậu tú” tự tin “ngay đường, thẳng lối” bước qua ngưỡng cửa tương lai. Đây cũng chính là góp phần đào tạo nguồn nhân lực đúng, đủ theo nhu cầu phát triển của tỉnh nhà, tránh tình trạng mất cân đối “cung” và “cầu”, tạo nên sự lãng phí không cần thiết.