Còn mãi một tình yêu

(NTO) Dù đã có một gia đình hạnh phúc nhưng hàng chục năm qua, bà vẫn không quên hình bóng người xưa. Những kỹ vật về tình yêu giữa hai người vẫn được bà nâng niu, gìn giữ. Từng trang giấy, nét chữ, màu mực vẫn vẹn nguyên như nụ cười, ánh mắt thân thương của người xưa trong di ảnh. Với bà, tình yêu ấy mãi là niềm tự hào, hạnh phúc, cũng là nỗi tiếc nuối, day dứt khôn nguôi.

Trong khu vườn điểm sắc tím bởi những đóa hoa lan tại Đường Yagout, Phường 5, TP. Đà Lạt, bà Hà Thanh Thủy bắt đầu kể cho tôi nghe về chuyện tình của mình. Nghe bà kể, tôi có cảm tưởng như bà đang như trò chuyện với một người đã đi xa, rất xa…

Bà Hà Thanh Thủy, người yêu liệt sĩ Nguyễn Quốc Thái.

Năm 1963, dù đã thi đỗ 2 trường Đại học Tổng hợp và Đại học Bách khoa nhưng chàng trai Nguyễn Quốc Thái (sinh năm 1944), nhà ở số 26, học sinh trường cấp 3 Nguyễn Huệ, thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ) vẫn quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đêm cuối cùng của khóa học, nhà trường tổ chức liên hoan văn nghệ, mãi tận khuya, buổi liên hoan mới kết thúc, Thái một mình bước đi trên đường làng, anh không biết phía sau có người đang đuổi theo.

- Anh Thái!

- Em đấy à!

- Anh làm sao như người mất hồn vậy? Mấy hôm nay sao anh cứ lẩn trốn em? Lúc chiều anh đăng ký nguyện vọng đi đâu?

- Anh sẽ đi bộ đội!

- Trời ơi, thế anh không đi học đại học à?

- Vào đại học là mơ ước của anh và cũng là ước nguyện của mẹ anh. Nhưng anh phải nhập ngũ như mọi người thôi.

- Làm sao anh cứ phải theo đuôi mọi người? Tìm một chỗ đứng hợp với khả năng của mình để có thể cống hiến thật nhiều cho xã hội đâu phải là xấu? Em vẫn tin rằng chỗ đứng phù hợp của chúng mình bây giờ là giảng đường đại học. Với lại anh là con một, được hoãn nghĩa vụ quân sự kia mà?

Thái lặng thinh suy nghĩ hồi lâu, anh nắm lấy tay Thủy, xúc động nói:

- Xa em, anh buồn lắm, công việc nào cũng đáng quý nhưng thời chiến thì đánh giặc là quan trọng nhất em ạ! Với lại, anh muốn chứng minh cho mọi người biết rằng, thành phần xuất thân không thể tạo nên nhân cách của con người, rằng anh xứng đáng với tình yêu của em…

Họ tiếp tục sánh bước bên nhau, đêm hè tĩnh lặng, chỉ có ánh trăng loang loáng dưới bước chân.

Sau khi Thủy vào học tại Trường Đại học Dược Hà Nội, Thái lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Phong Châu (Phú Thọ). Họ thường xuyên viết thư cho nhau. Mỗi khi rảnh rỗi, Thái còn viết nhật ký, làm thơ. Trong cuốn sổ tay được anh ghi chép liên tục từ ngày 9-9-1963 đến ngày 23-7-1965 (tức là trước lúc anh lên đường vào Nam chiến đấu) có nhiều trang viết về tình yêu, dưới đây xin trích một số dòng thư và trang nhật ký của anh.

Ngày 3 tháng 12 năm 1963.

Hôm nay chúng tôi bước vào ôn chính trị để chiều mai sát hạch, nói rằng ôn nhưng kỳ thực chúng tôi phân ra từng nhóm ngồi nói chuyện phiếm… Lòng bâng khuâng, tôi nhớ tới mấy hôm trước còn ở Mỹ Đức, cậu Huy viết một mảnh giấy rồi bảo tôi rút thăm. Tôi chọn một tờ rồi giở ra đọc “Tôi Yêu Oanh tha thiết..”. Huy vẫn nghi tôi với Oanh. Anh bạn thân mến! Anh đã lầm bởi dù có gắp thăm đến một trăm lần đi nữa thì cũng đã muộn bởi chiếc thăm chính thức tôi đã gắp trước đây 2 năm rồi. Thủy thân yêu! Mong sao ngày nào cũng được đọc thư của Thủy…”.

Những ngày huấn luyện, công tác ở Phú Thọ, hình ảnh người yêu luôn ngập tràn trong trí nhớ, bám lấy anh theo từng bước hành quân.

Ngày 23 tháng 2 năm 1965.

Em có biết anh nhớ em như thế nào không, mỗi buổi chiều xuống. khi ánh nắng tắt dần sau mấy quả đồi sau doanh trại là anh nhớ đến em và ký ức lại quay cuồng trong óc. Ôi những buổi sớm mùa đông lành lạnh hay những buổi thu mát rượi anh chờ em trước cửa bưu điện. Những buổi tối oi bức trong gian nhà nhỏ đầy ánh trăng hai chúng mình đọc sách bên nhau…

Có lần về phép nhưng không gặp người yêu, anh viết một bài thơ gửi lại:

“Từ buổi xa quê. Đến bây giờ vừa tròn sáu tháng. Hôm nay anh về. Giữa một buổi mai ngập đầy ánh nắng. Ngõ nhà ta rụng trắng hoa bàng. Nhà em mấy bận anh sang. Mấy luống cà nở hoa tím ngắt. Chờ mòn hai con mắt. Chẳng thấy em đâu. Trưa hè thoang thoảng hương cau. Anh thấy thèm tiếng cười em ngày nọ. Buổi ấy bóng bàng mát ngõ. Trời trưa cả xóm im lìm. Chỉ có chúng mình với một đôi chim. Đang rủ rỉ trong tán bàng xanh lá. Anh ngắm em hoài. Em cười xinh quá. Đôi má ửng ráng trời chiều.

Đây là lá thư anh gửi Thủy trước ngày lên đường vào Nam chiến đấu

“Ngày 21 tháng 12 năm 1965

Em yêu suốt đời của anh!

Anh ra đi có hai điều lo lắng muốn nói với em. Đó là cuộc sống của mẹ và tình cảm của em. Mẹ anh già yếu lại có một mình anh, về vật chất không có gì đáng ngại nhưng anh ra đi mẹ rất buồn. Chắc em là phụ nữ em hiểu điều này hơn anh. Việc này anh nhờ các bạn thân đi lại, thư từ hỏi thăm, động viên mẹ giúp anh. Cả em nữa, em phải giúp anh chứ.

Em yêu, còn em, em nghĩ gì về việc anh đi, riêng anh thấy rất khó nghĩ, để em chờ ư? Anh không thể ích kỷ như thế được. Thực tế anh đi chiến đấu thì việc sống còn ai mà lường hết được nên anh cũng không dám nói gì với em. Em ngàn lần yêu thương, tùy em, em chờ được thì chờ còn không chờ được thì thôi. Nếu chờ thì cũng chỉ một hạn định nào thôi, đừng có chờ lâu quá mà phí hoài tuổi trẻ. Có thể chờ anh 3 năm, 5 năm nhưng đừng hơn vì như thế đã quá đáng lắm rồi…”

Lá thư cuối cùng anh gửi cho Thủy từ chiến trường miền Nam với những lời lẽ đầy lạc quan, tin tưởng.

“Ngày 16 tháng 11 năm 1967

Anh về đơn vị từ tháng 5-1967 và tham gia chiến đấu luôn, sau đó là hành quân miết đến bây giờ. Ôi chao! Ở trong này rừng núi cao vút, đường đi đèo lại nối đèo, mùa mưa thì hành quân lầy lội không tả được. Nhưng em có biết không? Quân Giải phóng thì chấp hết...

Em yêu thương, năm nay anh rất khỏe, giá bây giờ được lái xe đưa em đi chơi như ngày nào thì anh chỉ thấy em nặng như một chiếc chăn bông thôi…Về sức khỏe em đừng lo gì cho anh, anh đã đánh bạn được với thời tiết miền Nam rồi.

Hẹn ngày gặp nhau. Sắp đến 21-11, anh gửi tặng em của tình yêu nồng nàn… (21-11 là ngày sinh nhật của Thủy)

Kể từ lá thư trên, Thủy không còn nhận được bất kỳ một thông tin gì từ Thái nữa. Ngày 15-9-1968, anh vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Năm 1971, Thủy lấy chồng. Chồng cô cũng là bạn học chung thời phổ thông, từ lâu đã thầm thương trộm nhớ cô nhưng không dám ngỏ lời vì biết Thủy đã có người yêu. Sau khi biết Thái hy sinh, anh mới dám đặt vấn đề với Thủy. Lúc đầu, Thủy hờ hững bởi trái tim cô tưởng như hóa đá với tình yêu của Thái, nhưng sự kiên trì, chân thành của anh cũng đã khiến trái tim Thủy hồi sinh.

Sống với chồng, yêu chồng, nhưng trong trái tim dịu dàng và đa cảm của bà vẫn khắc ghi hình bóng người xưa. Chồng bà biết điều đó, nhưng vốn là một người tế nhị, ông chẳng bao giờ ghen mà còn trân trọng, yêu quý vợ mình hơn. Với ông và các con, người lính ấy mãi là người yêu của mẹ, người bạn của cha và hơn hết là một phần thiêng liêng của toàn bộ gia đình.