Chuyện phiếm về "phê bình"

(NTO) Năm cũ sắp đi qua, năm mới chuẩn bị bắt đầu, người Việt ta thường góp ý với nhau những gì chưa tốt rồi mong sao năm đến ai ai cũng gặp may mắn, phúc lộc tràn đầy.

Đấy là chuyện dân gian, còn cánh cơ quan thì kháo nhau “tắm rửa cho sạch sẽ” để năm mới không còn bụi bặm sẽ "thuận buồm xuôi gió". Chẳng biết chuyện phê bình, góp ý hay "tắm rửa" ra sao nhưng nhóm chúng tôi có dịp trổ tài kể chuyện “phê bình” từ “tổng hợp tình hình chung ”nên ai “tin hay không thì tuỳ”!

Từ chuyện góp ý “phê bình” cho tập thể

Anh bạn lớn tuổi nhất trong nhóm với “kinh nghiệm đầy mình” kể chuyện cơ quan mình: Năm nay tớ có sếp nữ mới, trẻ tuổi, nhiệt huyết lắm, họp giao ban đánh giá tình hình năm công tác sếp thẳng thừng “tôi đề nghị các đồng chí tập trung góp ý về những yếu kém, hạn chế, tìm nguyên nhân và hiến kế khắc phục…”. Đề đã “mở” nhưng người nọ nhìn người kia như chờ đợi điều gì. Ông bạn bên cạnh cắt ngang: Sếp thoáng như thế, các ông còn dè dặt nỗi gì mà không “phát”. Nghe bạn nói, anh thanh minh: Khổ nỗi là trong kỳ họp toàn cơ quan sơ kết sáu tháng đầu năm có cậu trưởng phòng cũng trẻ, hăng hái “vô tư góp ý” được sếp biểu dương dội cho “gáo nước lạnh”. Vậy thì còn ai dám góp ý phê bình? Anh lúc nãy lên tiếng. Còn tớ đây, vẻ "hiên ngang" anh tuôn một tràng: Phải thừa nhận sếp trẻ, đầy năng lực và trách nhiệm nhưng có điểm gì đó giống “bà đầm thép” Thatcher, vậy nên phê bình phải đúng “gu” của sếp. Thế nên tớ vào đề: Năm nay tình hình chung hết sức khó khăn, khối lượng công việc cơ quan nhiều, một số công chức nghỉ hưu, biên chế thiếu…nhưng tập thể cơ quan đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tỉnh giao… điểm hạn chế là vẫn còn có một số cá nhân năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu, sự nỗ lực chưa ngang tầm nhiệm vụ. Mình vừa phát biểu xong, anh bạn ngồi bên cạnh nói nhỏ: Sao ông không nêu cái vụ con nhỏ văn thư chơi huê hụi người ta tới cơ quan đòi nợ? Tớ gằn giọng: Ông ngon thì “phát” đi, đó là quan hệ dân sự, cũng chưa rõ ràng, nhỡ nói ra cơ quan mình xem chừng công lao cả năm phấn đấu có mà “đổ xuống biển”!!!

... Đến chuyện góp ý “phê bình” lãnh đạo

Góp ý phê bình lãnh đạo thật khó, bởi cấp dưới sao biết được lãnh đạo khuyết điểm gì để góp ý, mà góp ý sai thì hậu quả đối với người góp ý như thế nào thì chỉ có “hồi sau sẽ rõ”. Vậy nên khi được chỉ đích danh góp ý người ta thường cố gắng “lựa lời mà nói cho vừa lòng trên”. Chuyện là, có anh công tác đã nhiều năm có thâm niên sống với nhiều lãnh đạo. Bài góp ý phê bình "sếp" của anh mọi người trong cơ quan ai cũng thuộc làu làu. Mở đầu bao giờ cũng là những khó khăn, thách thức không dễ gì vượt qua, tiếp theo là thành tích của toàn đơn vị, kế đến thành tích của tập thể anh (mà anh là thủ trưởng tập thể trực thuộc), các khuyết điểm, nguyên nhân được anh chỉ cặn kẽ như thiếu biên chế, thiếu kinh phí, sự phối hợp thiếu đồng bộ của một số ngành, địa phương… Kết thúc bài góp ý, anh khẳng định nguyên nhân đạt được thành tích “to lớn” là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của…”sếp”! (và có lẽ anh cũng sáng suốt vì là sếp nhỏ). Thế là bài ca góp ý phê bình “hai trong một” trở thành đề tài kinh điển để mọi người xả stress những lúc công việc căng thẳng.

Anh lão làng trên có thể xem là “cao thủ”, còn anh chuyên viên trẻ tuổi dưới đây thì mới “ngờ nghệch” làm sao. Đơn vị cậu có sếp khá thoáng với phương châm “hiệu quả” công tác là yêu cầu cao nhất, mà sếp lại luôn nói ít làm nhiều. Ví như phát động cán bộ, công nhân viên quyên góp ủng hộ học sinh nghèo hiếu học, ủng hộ anh em có hoàn cảnh ngặt nghèo lúc khó khăn…thì sếp bao giờ cũng là người đầu tiên ủng hộ và góp số tiền cao nhất. Việc nhỏ đó đã trở thành truyền thống nhân nghĩa của đơn vị. Ngày làm việc, sếp thường là người ra về sau cùng, có lúc rời cơ quan đã quá 12 giờ trưa, lúc 20 giờ tối vì phải xử lý xong công việc. Cấp trên gương mẫu, cấp dưới làm theo. Có lần làm việc về trễ gặp cậu chuyên viên trẻ vừa rời phòng, sếp đùa vui: Chú mới lấy vợ, về trễ coi chừng lãnh “cấm vận” đấy. Dạ, thì em cứ nói với vợ là học “sếp”. Ừ, chú nghề cứng đấy!? nhưng xem chừng vợ chú nghĩ về trễ bởi “chuyện khác” thì sao? Nói vui nhưng nhìn cậu chuyên viên trẻ có gì đó không bình thường, anh chợt tự hỏi: “Liệu có phải vì công việc không”? Vài ngày sau, anh cho mời cậu chuyên viên nọ lên phòng hỏi: Cậu cứ coi tôi như bạn bè đi, tôi hỏi thiệt hôm rồi cậu làm việc về trễ có phải do công việc không? Biết sếp khá rành về công nghệ thông tin, lại thương anh em, luôn tạo điều kiện cho cánh trẻ phát triển nên cậu thành thật: Em xin lỗi, vì mê bóng đá nên ở lại cơ quan xem trận chung kết Cúp FA do đêm qua ngủ quên? À ra vậy, chú góp ý anh nghe nhưng chú cũng phải tự phê bình mình trước. Cậu chuyên viên lý nhí “dạ”. Thế rồi, sau này anh chuyên viên trẻ đó trở thành nhân tố tích cực của cơ quan, được bầu làm bí thư đoàn thanh niên, là cây sáng kiến của đơn vị và mới đây được bổ nhiệm làm trưởng phòng công nghệ thông tin.

Và phê bình góp ý với hành trình từ trái tim đến trái tim

Góp ý phê bình là việc làm thường xuyên, thể hiện văn hoá tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác, cuộc sống hàng ngày. Vậy nên chuyện góp ý phê bình sếp, phê bình lẫn nhau và sếp góp ý phê bình cấp dưới là sinh hoạt thường ngày để cho mỗi cá nhân, mỗi tập thể ngày càng hoàn thiện hơn, như vậy thì việc góp ý phê bình hay tự phê bình không trở thành gánh nặng vào mỗi dịp kiểm điểm đánh giá hằng năm trong cơ quan, đơn vị. Vâng, hãy góp ý phê bình lẫn nhau bằng trái tim nhân hậu của con người để rồi chúng ta cùng nhau “tắm rửa cho sạch sẽ” bước vào năm mới 2015 "thuận buồm xuôi gió"!