Khó khăn trong thực hiện công tác y tế học đường

(NTO) Theo Quyết định số 2331/QĐ-TTg ngày 20-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, y tế học đường (YTHĐ) là một dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Ở tỉnh ta, YTHĐ đã được các cấp, các ngành, các trường học đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà công tác YTHĐ gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi và điều kiện học tập của học sinh (HS).

Trường TH Tri Thủy, xã Tri Hải (Ninh Hải) hiện là một trong số những đơn vị trường học không có nhân viên YTHĐ chuyên trách. Người phụ trách việc chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cũng như truyền thông, giáo dục kiến thức sức khỏe cho HS là nhân viên làm công tác văn phòng kiêm nhiệm.

Trường TH Tri Thủy đặc biệt chú trọng công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh.

Vì không có trình độ chuyên môn nên người phụ trách chỉ có thể sơ cứu ban đầu những vết thương nhẹ hoặc cấp phát thuốc cho HS khi có bệnh thông thường. Cô giáo Nguyễn Thị Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Vì trường là đơn vị trường TH xếp hạng 3 nên theo quy định chỉ được giao 2 biên chế làm công tác thư viện, thiết bị, văn phòng. Việc nhân viên làm công tác YTHĐ chỉ là kiêm nhiệm nên cũng khó khăn trong việc CSSKBĐ cho HS. Tuy nhiên nhà trường vẫn luôn nỗ lực khắc phục bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về YTHĐ và hàng năm đều phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức khám sức khỏe cho HS.

Không riêng Trường TH Tri Thủy, một số đơn vị trường học khác trên địa bàn tỉnh ta, kể cả những trường thuộc diện được biên chế nhân viên YTHĐ chuyên trách nhưng hiện vẫn phải cử người kiêm nhiệm. Với những trường đã có nhân viên YTHĐ thì đa số trình độ chuyên môn không phù hợp với công tác CSSKBĐ cho HS. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 28-4-2011 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế “Quy định các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường TH, trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học” thì nhân viên làm công tác YTHĐ phải có trình độ từ trung cấp y trở lên.

Cùng với nhân lực thì cơ sở vật chất và kinh phí đang là khó khăn chung của nhiều trường học. Theo kết quả thanh tra công tác YTHĐ năm 2014 của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, có tới 50% trường học được thanh tra không có phòng y tế hoặc phải ghép chung phòng y tế với các phòng chức năng khác. Còn về nguồn kinh phí, nhà trường được cơ quan Bảo hiểm Xã hội trích chuyển 12% quỹ khám, chữa bệnh của HS tham gia Bảo hiểm y tế để thực hiện CSSKBĐ cho HS tại trường học. Như vậy, số HS tham gia càng đông thì nguồn quỹ để lại nhà trường dùng để CSSKBĐ cho HS càng lớn. Tuy nhiên, số lượng HS tham gia bảo hiểm y tế tại một số trường hiện nay vẫn rất thấp, đặc biệt là những trường ở vùng nông thôn, cách xa khu vực trung tâm...

Khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động và con người không chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý, CSSKBĐ cho HS mà còn là nguyên nhân dẫn đến các hoạt động khác như: truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng cho HS… khó thực hiện được. Để khắc phục tình trạng trên, việc đầu tư và thực hiện tốt công tác YTHĐ cần phải được quan tâm hơn nữa, có như vậy thì việc CSSKBĐ cho HS mới có kết quả tốt hơn.