Công bố 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2014

Ngày 16-12, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Ban thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia đã tổ chức Công bố 63 doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2014.

63 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2014 thuộc 11 lĩnh vực ngành hàng sản xuất và dịch vụ như: cơ khí, máy móc, thiết bị; dệt may, da giầy; điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; nông lâm thủy sản; tài chính ngân hàng; thực phẩm đồ uống; thương mại dịch vụ; vận tải du lịch; vật tư nông nghiệp và xây dựng, bất động sản...

Trong đó có 23 doanh nghiệp 4 lần liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, 11 doanh nghiệp có 3 lần liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, 14 doanh nghiệp có 2 lần liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, 15 doanh nghiệp đăng ký mới đáp ứng đủ các tiêu chí và được lựa chọn năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi công bố.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ của các Hiệp định Thương mại tự do với khu vực và khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp và Thương hiệu Quốc gia ngày càng quan trọng. Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với sản phẩm hàng hóa ngoại nhập. Mặt khác, khi thị trường thế giới đã mở rộng nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không xây dựng được thương hiệu thì cũng không thể tiến ra thị trường thế giới.

Do vậy, chương trình Thương hiệu Quốc gia nhằm góp phần tích cực giúp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hiệp hội ngành hàng tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường trong nước và thế giới, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình. Nhà nước sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.

"Doanh nghiệp cũng phải nỗ lực tự thân để cam kết sẽ liên tục tự hoàn thiện mình, quyết tâm xây dựng và triển khai các chương trình hành động trong doanh nghiệp theo những giá trị của Chương trình Thương hiệu Quốc gia," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Chính phủ tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Trên cơ sở phát huy các giá trị này, doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực mình kinh doanh, sản xuất dựa trên việc không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia phải cam kết theo đuổi các giá trị mục tiêu là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Hai năm một lần, chương trình sẽ tổ chức Lễ Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng Thương hiệu Quốc gia. Năm 2008, Ban tổ chức đã lựa chọn được 30 doanh nghiệp. Năm 2010, lựa chọn được 43 doanh nghiệp. Năm 2012, lựa chọn được 54 doanh nghiệp. Lễ Công bố 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 4 sẽ được tổ chức vào 20 giờ 30 phút, ngày 23/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN