Vay tín chấp - Viên thuốc đắng bọc đường

(NTO) Không khó để bắt gặp những tờ quảng cáo “cho vay tiền mặt” dán khắp các đường phố, từ những cột đèn giao thông, cột điện, đến các bức tường, hàng rào,… với nội dung: không cần tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng, từ 10-70 triệu đồng.

Vay tín chấp (còn gọi là vay tiêu dùng) là hình thức tín dụng cá nhân khá phổ biến hiện nay, được triển khai ở hầu hết các ngân hàng và công ty tài chính. Tuy nhiên, điều kiện vay và mức lãi suất lại có sự chênh lệch giữa các đơn vị. Trong khi các công ty tài chính khá “thoáng” trong việc chấp nhận điều kiện vay thì các ngân hàng thương mại lại đưa ra yêu cầu khắc khe hơn. “Được cái nọ, mất cái kia”, nơi nào dễ vay thì lãi suất cao, và ngược lại, điều kiện hợp đồng hơi khó thì lãi suất sẽ thấp hơn.

Quảng cáo cho vay tiền mặt được dán tràn lan, làm mất mỹ quan đô thị.

Khi gọi vào các số điện thoại ghi trên tờ quảng cáo, chúng tôi được các “nhân viên tín dụng” nhiệt tình tư vấn. Chủ nhân của các số điện thoại in trên tờ quảng cáo giới thiệu là nhân viên kinh doanh của Khối tín dụng tiêu dùng cá nhân FE Credit thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Sau cuộc tư vấn “lấp lửng” trên điện thoại, hai bên hẹn gặp nhau, để “trao đổi” cụ thể hơn. Theo đó, người có nhu cầu vay tiền mặt chỉ cần có một trong các điều kiện: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trên 1 năm, hóa đơn sử dụng điện gia đình từ 300.000 đồng, lương từ 3 triệu đồng/tháng hoặc đang mua một món hàng trả góp bất kỳ thì xem như “đủ điều kiện” vay tín chấp từ VPBank, không cần phải có tài sản thế chấp.

Về thủ tục và thời gian giải quyết vay tiền, các nhân viên của FE Credit cho biết: Ngoài một trong các điều kiện nêu trên là yêu cầu bắt buộc, người vay cần cung cấp thêm một số giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, ảnh thẻ. Thời gian thẩm định hồ sơ là 1 tuần. Trong thời gian này, bên cho vay sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho người vay, hỏi vài câu để xác nhận thông tin trên hợp đồng tín dụng, sau đó sẽ được giải ngân. Cũng theo các nhân viên này, tùy điều kiện vay của mỗi cá nhân có mức độ “an toàn” cao hay thấp mà lãi suất dao động từ 1,66 đến 2,95%/tháng, tính trên dư nợ cố định. Mức lãi suất này tương đương từ trên 20% đến gần 40%/năm, và tương đương mức 35 - 55%/năm nếu tính theo dư nợ giảm dần.

Tại khoản 1, Điều 476 của Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng (hiện tại, lãi suất cơ bản ở mức 9%/năm). Điều này đồng nghĩa với việc, mức lãi suất cho vay cao hơn 13,5%/năm là sai quy định. Tuy nhiên, với những người đang cần tiền gấp phục vụ nhu cầu cá nhân như cưới hỏi, tiệc tùng, mua sắm phương tiện,… họ thường rất vội vàng trong quyết định, thiếu cân nhắc và không tìm hiểu kỹ khoản tiền thể hiện trên hợp đồng, dẫn đến việc bị “mắc” vào một khoản nợ với lãi suất cao. Mặt khác, ưu thế về thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh, cộng với điều kiện vay khá dễ dàng, nên không ít người quyết định “nhắm mắt đưa chân”, chấp nhận vay tiền với lãi suất cao.

Trong khi nhân viên kinh doanh của FE Credit “tiếp cận” khách hàng bằng những tờ quảng cáo với mật độ dày đặc, thì các công ty tài chính khác như Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam hay Công ty TNHH Tài chính PPF Việt Nam đang hoạt động tại tỉnh ta lại “nhắm” vào những người đã từng mua hàng trả góp bằng khoản vay tiêu dùng từ các đơn vị này. Một khách hàng của PPF phàn nàn: Từ lúc mua trả góp máy tính xách tay, cứ cách 2-3 tuần, nhân viên PPF lại gọi điện giới thiệu chương trình cho vay tín chấp, với số tiền từ 10 triệu đồng. Mặc dù đã từ chối nhưng họ vẫn cứ gọi, rất phiền phức.

VPBank và các công ty tài chính hiện chưa có trụ sở hay văn phòng giao dịch ở tỉnh ta. Việc thực hiện giao dịch tín dụng chỉ dựa trên “người đại diện” là các nhân viên kinh doanh. Đây là điều khiến không ít người lo lắng về tính pháp lý cũng như cơ sở “chính thức” để tiếp nhận những thắc mắc, phản hồi hay tranh chấp phát sinh trong quá trình vay và trả nợ vay. Mặt khác, việc nhân viên của FE Credit dán quảng cáo tràn lan trên các tuyến đường, cột điện,… với nội dung thiếu rõ ràng, không cụ thể về đơn vị tín dụng mà chỉ ghi mỗi số điện thoại liên hệ và những cái tên Tuyết, Thịnh, Nhung,… khiến một số người “tưởng” đây là hoạt động “tín dụng đen”, gây hoang mang trong dư luận. Hành vi quảng cáo này cũng thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn minh.