Quê hương tình yêu - nỗi lòng của người xa xứ

(NTO) Cầm trên tay tập thơ Quê hương tình yêu của ông Dương Quang Đức gửi tặng không thể không xúc động vì nỗi lòng của người xa xứ được ông bày tỏ thật lòng:

Chim xa tổ, con lìa nhà
Năm dài tháng rộng, phôi pha kiếp người
Ai ơi cho mượn tiếng cười
Đem về nhuộm thắm cuộc đời tha hương…

(Ba má)

Ông Dương Quang Đức sinh ra ở Huế nhưng lại lớn lên ở Phan Thiết và rồi đi du học ở Pháp. Nói về sự nghiệp thì ông đã rất thành công vì ông tốt nghiệp Bác sỹ ở Paris, đã có thời gian là bác sỹ riêng của Tổng thống Togo ở Phi châu.

Tôi càng xúc động khi cuối đời ông đã tập hợp hết những bài thơ của mình chủ yếu viết về quê hương và được N.X.B Thuận Hóa ấn hành có bề dày cuốn thơ gần 400 trang, bìa cứng; và ngay đầu tập thơ ông ghi đậm:

Thơ anh không bán chợ đời
Thơ anh chỉ để tặng người anh yêu.

Ấn tượng với câu nói đó mà nhà văn Trần Thùy Mai đã viết lời tựa cho tập thơ này nhiều trang cũng có tựa đề: Thơ anh không bán chợ đời

“Có lẽ thấm nhuần câu nói của người xưa “ Lập thân tối hạ thị văn chương” nên nhiều người khi còn trẻ đã chọn con đường khác để làm cuộc đời mình, để rồi đến khi tuổi cao, có mọi điều trong tay, mới cảm thấy thiêu thiếu một thứ gì đó. Thiếu một chút men để cho cuộc sống thăng hoa…”

Vâng! Đúng thế. Nhà thơ Dương Quang Đức sống xa xứ nên nỗi lòng tình yêu quê hương thôi thúc ông làm thơ, nhất là những khi tết đến xuân về:

Mồng một tết, buồn sao trên đất khách
Mưa không nhiều nhưng lạnh buốt xương da
Mắt đăm chiêu hướng vọng chốn quê nhà
Tay hốt hoảng giữ chiều tà sắp tắt
Thôi lại hết, một mẩu đời qua mất
Tuổi hoa niên cuồng dại lại qua rồi…

(Mẹ của con)

Thơ của ông giản dị, mộc mạc như chính con người ông mà tôi có may mắn gặp cách đây mấy năm khi ông về thăm Phan Thiết.

Ông kỹ lưỡng ghi chép rõ ràng dưới mỗi bài thơ từ ngày tháng đến từng nơi ông đến và thấy rõ, có những bài mới làm nhưng cũng có những bài ông đã viết cách đây năm sáu chục năm; và dù bài thơ xuất xứ từ đâu, thời điểm nào đi nữa thì thơ ông vẫn là tình yêu quê hương đằm thắm.

Một lần nữa tôi lại tâm đắc với lời tựa của nhà văn Trần Thùy Mai sau khi đọc thơ của ông đã nghĩ đến một câu ngạn ngữ của phương Tây:

Tuổi tác không giúp người ta tránh khỏi tình yêu, nhưng trong chừng mực nào đó tình yêu có thể giúp người ta tránh khỏi tuổi tác.

Quả là tuổi càng cao, sự đời từng trải thì nhu cầu được thương yêu càng trở nên cấp thiết, nhờ vậy mà ông có được những câu thơ:

Rồi một mai khi về bên xứ lạ
Anh xin vào sống mãi giữa lòng em.