Khẩn trương, chủ động phòng chống cơn bão số 5

(NTO) Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, sáng 10-12, đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, các ngành, địa phương chỉ đạo khẩn cấp đối phó với bão số 5.

 • Tất cả công việc phòng chống cơn bão số 5 phải hoàn thành trước 12h, ngày 11-12-2014.

Theo dự báo, trong 24 giờ tới bão số 5 di chuyển theo hướng Tây sau đó có khả năng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 - 88 km/giờ), giật cấp 10-11, biển động rất mạnh. Dự báo, bão sẽ có khả năng đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có công điện số 5901 chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão. Theo đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra các công trình hồ chứa nước, thủy lợi; rà soát các khu dân cư khu vực trũng thấp, có nguy cơ sạt lở cao; triển khai ngay phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn xảy ra.. Đặc biệt, lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp với gia đình chủ tàu, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt trên biển, tìm nơi trú ẩn an toàn…

 
Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 
 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp.

Hiện toàn tỉnh có 2.730 phương tiện với 16.913 thuyền viên đang đánh bắt tại các vùng biển Bình Thuân, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng ven bờ đã nhận được tin và chủ động di chuyển ra khỏi vùng có ảnh hưởng của bão. Một số địa phương đã chủ động triển khai xong phương án phòng chống lụt bão, đưa tàu bè về nơi neo đậu an toàn, tuyên truyền, vận động người dân bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên biển… Tuy nhiên, một số địa phương lo ngại nguy cơ sạt lở đất tại các vùng xung yếu; công trình thi công mở rộng Quốc lộ 1A đang dở dang có thể làm ảnh hưởng đến giao thông, đi lại; một số du khách còn chủ quan với bão…

Tại cuộc họp, đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ngành, địa phương ngừng ngay các cuộc họp không cần thiết để triển khai các phương án phòng chống bão; cấm ngư dân ra biển cho đến khi bão kết thúc và có thông báo chính thức. Yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các địa phương nhanh chóng triển khai phương án ứng phó với bão với tinh thần không được chủ quan, lơ là; yêu cầu đưa tàu thuyền, lồng bè vào nơi neo đậu an toàn; kiên quyết không cho du khách tắm biển trong thời gian trước, trong và sau bão; tạm dừng các hoạt động thi công tại các công trình cao tầng đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi. Các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng di dời dân ra các vùng ngập lụt, xung yếu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Mọi công việc phải hoàn tất trước 12 giờ ngày 11/12/2014.