Giải đáp pháp luật về thi đua, khen thưởng

(NTO) Một số cán bộ, công chức, viên chức huyện Bác Ái, huyện Ninh Hải hỏi: 1. Cá nhân ở vùng khó khăn có được xét đặc cách danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” không? 2. Cá nhân có sáng kiến cơ sở năm 2013 đã được công nhận, năm 2014 cũng sáng kiến đó nhưng được bổ sung thì có được công nhận sáng kiến cơ sở không?

Trả lời:

1. Theo qui định tại khoản 2, khoản 3, Điều 2, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 thì nguyên tắc khen thưởng như sau: Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn; Khen thưởng thành tích kinh tế-xã hội, khi có nhiều cá nhân, tập thể cũng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ 70% trở lên để xét khen thưởng.

Như vậy, việc xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” đối với cá nhân công tác ở vùng kinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế khó khăn thì được ưu tiên hơn so với các vùng khác. Việc xét đặc cách danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là không phù hợp với qui định hiện hành.

2. Theo qui định tại khoản 1, điều 7, Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 02/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh thì “Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, đánh giá các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu khoa học hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác và ra quyết định công nhận sáng kiến…”

Như vậy, việc cá nhân có sáng kiến cơ sở năm 2013 đã được công nhận, năm 2014 cũng sáng kiến đó nhưng được bổ sung thì phải căn cứ vào hiệu quả của sáng kiến đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và tính mới của sáng kiến, khả năng phổ biến, nhân rộng để xem xét công nhận. Việc quyết định công nhận do Hội đồng Xét duyệt sáng kiến cấp cơ sở thuộc Ủy ban nhân dân huyện quyết định.