Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

(NTO) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Liên hiệp hội) là một tổ chức chính trị-xã hội của trí thức tỉnh Ninh Thuận hoạt động trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, có nhiệm vụ tập hợp và đoàn kết lực lượng trí thức khoa học và công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế và lĩnh vực xã hội, điều hòa và phối hợp hoạt động của các Hội thành viên để hoạt động chung nhằm phát thuy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB&GĐXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội để làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Từ ngày thành lập (tháng 12-2009) đến nay, Liên hiệp hội Ninh Thuận đã tích cực để triển khai hoạt động này.

Cán bộ Trung tâm Thông tin ứng dụng Khoa học công nghệ (Sở KH&CN) phân tích chế phẩm
về thực phẩm và môi trường ứng dụng vào sản xuất. Ảnh: Văn Miên

Trên cơ sở Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới” Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 5-4-2002 quy định về hoạt động TV, PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam. Quyết định này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội Việt Nam huy động sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án kinh tế- xã hội quan trọng của đất nước trong nhiều năm qua. Trên cơ sở Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 5-4-2002 của Thủ tướng Chính phủ về “ hoạt động TV, PB&GĐXH của Liên hiệp hội Việt Nam” và Thông tư số 27/2003/TT-BTC ngày 1-4-2003 của Bộ Tài chính về “ hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam”, Liên hiệp hội Ninh Thuận đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản pháp quy: Quyết định số 2370/QĐ-UBND ngày 9-12-2010 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh về hoạt động TV, PB&GĐXH; Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND ngày 17-3-2011 về việc ban hành Quy định về hoạt động TV, PB&GĐXH của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận.

Trong thời gian qua, được sự phối hợp của các sở, ngành, Liên hiệp hội Ninh Thuận đã vận động, tập hợp một số lượng không nhỏ đội ngũ trí thức tỉnh nhà của các Hội thành viên tham gia tham vấn, phản biện nhiểu quy hoạch, kế hoạch, dự án của tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực khác nhau: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2011-2015 và các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh hàng năm; quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2020; quy hoạch phát triển nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2011-2020; quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025; quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020; tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo tổng kết hiến pháp 1992 và dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992; tham gia góp ý một số Dự thảo luật do đoàn Đại biểu Quốc hội mời; tham gia phản biện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh...

Tuy nhiên những hoạt động tham gia tư vấn, phản biện nói trên chưa đúng theo tinh thần của QĐ 22/2002 của Thủ tướng Chính phủ cũng như nội dung của QĐ số 09/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo tinh thần của các QĐ này thì hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội là hoạt động tư vấn, phản biện độc lập do Hội đồng tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội bao gồm nhiều chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực; báo cáo của Hội đồng nay độc lập với các nội dung của Hội đồng nghiệm thu, thẩm định của các cơ quan có đề tài, dự án. Lâu nay tại tỉnh ta cũng như tại nhiều tỉnh, thành khác vai trò của Liên hiệp hội trong các Hội đồng nghiệm thu, thẩm định chỉ là 1 thành viên với tư cách phản biện 1, phản biện 2. Do đó, trí tuệ của tập thể nhiều nhà khoa học chưa được tận dụng, phát huy.

Nhận thức được những hạn chế, bất cập của Quyết định nêu trên, ngày 14-2-2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam. Quyết định mới này đã thể chế hóa nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với những nội dung được đề cập cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động TV, PB&GĐXH của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Hy vọng thời gian tới, hoạt động này sẽ có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, phát huy được sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà và thể hiện được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam.