Nhiều quy định của dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa rõ ràng

Chiều 27/11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Các đại biểu đã tập trung làm rõ về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình); đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và một số đại biểu khác đồng tình cho rằng dự thảo Luật chưa xác định rõ ranh giới phạm vi điều chỉnh giữa các luật khác, đặc biệt là với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam… Từ đó chưa có sự thuyết phục việc ban hành Luật này.

Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa lại để quy định được rõ hơn, tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng trong tình hình thực tế của Việt Nam.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Minh phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Mặt khác, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng cần cụ thể hóa hơn các quy định của Luật để đảm bảo thực hiện đúng thẩm quyền của Quốc hội, cũng để đảm bảo tính minh bạch của Luật, để Luật sớm đi vào cuộc sống. Dự thảo Luật lần này có 14/76 Điều, chiếm 20% là giao cho Chính phủ, và các bộ, ngành quy định chi tiết, đó còn chưa kể đến nhiều điều khoản còn quy định chung chung không giao cho cơ quan nào cụ thể hóa. “Nếu các quy định thiếu cụ thể như trong dự thảo Luật thì phải thẳng thắn nói rằng, dù Luật có được ban hành thì cũng phải rất lâu mới đi vào cuộc sống” – đại biểu Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) và một số đại biểu cho rằng công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ ưu tiên đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, nội dung quy định tại dự thảo Luật về tiêu chí xác định dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa rõ căn cứ xác định. Do vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát bổ sung quy định trong Luật cụ thể hơn.

Quan tâm đến quy định phạm vi vùng bờ, hành lang bảo vệ bờ biển, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc thêm việc tổ chức thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ để phù hợp với quy định của pháp luật về biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật liên quan. Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) phân tích: Quy định vùng ven bờ là vùng biển có chiều rộng 6 hải lý tính từ mức triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển à chưa tính toán đến điều kiện khoa học và cơ sở thực tiễn. Việc xác định vùng ven bờ không chính xác có thể làm ảnh hưởng quyền lợi trên biển của quốc gia, cũng như gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển.

Về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nêu ý kiến, trong dự thảo Luật quy định khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, quy định như vậy là trái với các luật khác vì có trường hợp khai thác sử dụng tài nguyên không phải xin phép như Luật Bảo vệ và phòng hộ rừng; Luật Tài nguyên nước; Luật Thủy sản. Do đó, đại biểu để nghị sửa thành “khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái phép” là đủ..../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam