Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh có trần quân hàm là Trung tướng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 27/11, với đa số phiếu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, với 363 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 73,04%).

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày
báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, 
bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết:

Đối với cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh nhiều ý kiến không đồng ý với quy định Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh có trần quân hàm Trung tướng và đề nghị là Thiếu tướng để không mâu thuẫn với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng có trần quân hàm là Trung tướng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo như sau: Việc quy định cấp bậc hàm cao nhất của quân đội và công an ở địa phương, cấp tỉnh và cấp huyện phải bằng nhau là một chủ trương đúng của Đảng. Theo đó, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ theo quy định số 28 của Bộ Chính trị có phần về việc xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành các khu vực phòng thủ vững chắc theo tình hình mới trong đó có lực lượng công an nhân dân. Tại phiên họp ngày 6-11-2014, đa số ĐBQH đồng ý với đề xuất là trần quân hàm của Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh là Trung tướng vì vậy quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp, đáp ứng yêu cầu chỉ huy khi có tình huống chiến sự, chiến tranh xảy ra.

Đối với mối quan hệ giữa Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh được thực hiện theo Quy định tại Điều 22 Luật sĩ quan hiện hành: Trường hợp sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng có cấp bậc hàm bằng hoặc thấp hơn cấp bậc quân hàm của sĩ quan thuộc quyền thì sĩ quan có chức vụ cao hơn là cấp trên. Hơn nữa, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng quân sự cụ thể việc phong thăng cấp bậc hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy sẽ do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị cấp có thẩm quyền phong thăng cấp bậc hàm theo điều luật. Vì vậy, UBTVQH đề nghị trần quân hàm của Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh theo cấp bậc tại Thông báo số 185 ngày 28/10/2014 của Bộ Chính trị để đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp về hệ thống mọi mặt đối với quân đội nhân dân và công an nhân dân. Theo đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về trần quân hàm của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện thuộc Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý thống nhất cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá…

Về cấp bậc hàm Thượng tướng, UBTVQH cho biết, có ý kiến cho rằng đối với Học viện quốc phòng không cần thiết phong quân hàm vì việc giảng dạy, học hàm, học vị là phù hợp với nhu cầu giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học và trên đại học. Nhưng đối với các trường trong quân đội, ngoài học hàm, học vị thì quân hàm cũng là 1 tiêu chí quan trọng để thể hiện yêu cầu về kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ huy trong chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu… nên để đảm bảo phù hợp với vị trí, chức năng nhiệm vụ quan trọng của Học viện Quốc phòng và tương ứng với các cấp bậc hàm cao nhất của các Chính ủy khác, UBTVQH đề nghị giữ quy định trần quân hàm Thượng tướng đối Chính ủy Học viện Quốc phòng...

Ngay sau phần báo cáo, với 438 đại biểu có mặt (đạt tỷ lệ 88,13% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với 363 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 73,04%)./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam