Ninh Sơn: Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

(NTO) Triển khai nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình KT-XH của huyện Ninh Sơn vẫn có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực và có bước phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã thúc đẩy tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng nhanh, ngành nông nghiệp cũng từng bước chuyển hướng sang tập trung đầu tư vào nhóm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, diện mạo nông thôn Ninh Sơn ngày càng đổi thay.

Qua đánh giá bước đầu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện đã rõ nét, công nghiệp, dịch vụ dần giữ vai trò chủ đạo trong tổng giá trị sản xuất. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 53%, giá trị sản xuất ước đạt trên 361 tỷ đồng; trong khi đó, ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ thương mại chiếm 47% nhưng giá trị sản xuất lại đạt trên gần 586 tỷ đồng (chiếm 61,85% giá trị sản xuất toàn huyện). Có được kết quả này, thời gian qua, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Ninh Sơn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nhằm huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; khuyến khích các DN liên kết với địa phương đầu tư phát triển. Triển khai các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch cụm công nghiệp, làng nghề, để thu hút đầu tư vào các ngành nghề chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, chế biến thức ăn chăn nuôi… Hiện nay, toàn huyện có 97 DN, HTX đang hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành các “cụm công nghiệp” Quảng Sơn, các “cụm công nghiệp” sản xuất thủy điện. Một số dự án lớn trong các cụm công nghiệp này như Thủy điện Sông Ông, Thủy điện Hạ Sông Pha, Dệt Quảng Phú đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Cây mì đem lại giá trị kinh tế ổn định góp phần nâng cao đời sống nông dân huyện Ninh Sơn.
 

Để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, Ninh Sơn tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai quy hoạch sử dụng đất, gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Huyện chỉ đạo quy hoạch các vùng sản xuất trọng điểm; khuyến khích việc tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung quy mô lớn; đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế và năng suất cao vào sản xuất. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng cả năm của huyện là 22.268 ha, đạt 107,58 % kế hoạch, tăng 2,87% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực 71.790 tấn, đạt 123,78% kế hoạch năm, tăng 14,71% so cùng kỳ. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành quy hoạch các vùng cây nguyên liệu chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh và duy trì sản xuất diện tích hàng năm, như: Cây bắp 4.300ha, cây mỳ 2.600 ha, cây mía 2.600 ha, cây thuốc lá 300 ha… đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Đồng chí Nguyễn Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục thuế Ninh Sơn, cho rằng: Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tác động vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Tỷ trọng nguồn thu từ lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng cao và chiếm vai trò chủ đạo trong nguồn thu ngân của huyện. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong năm 2014 hơn 90 tỷ đồng, đạt 116,13% dự toán năm, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Kinh tế phát triển, thu ngân sách cao, diện mạo nông thôn mới của huyện Ninh Sơn ngày càng thay đổi. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa được chú trọng; chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đầy đủ, góp phần ổn định đời sống của người dân địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 16,17% (giảm 2,91% so với năm 2013).

Công nhân Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú vào ca sản xuất.
Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho rằng: Để hoàn thành kế hoạch năm 2014, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, thời gian đến, huyện Ninh Sơn sẽ quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, duy trì tăng trưởng từ 12 đến 13%/năm. Tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực trên cơ sở phát huy và khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực tư nhân để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH.