Bác Ái: Khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh

(NTO) Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh tại huyện miền núi Bác Ái luôn gặp phải rất nhiều khó khăn.

Kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010, Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 17-5-2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 49) và kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ Mẫu giáo 5 tuổi theo Thông tư số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC, ngày 15-7-2011 của Liên Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT hàng năm được cấp về cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Bác Ái thường muộn hơn so với các địa phương khác, mà nguyên nhân là do sự chậm trễ trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ của học sinh.

Các cháu Trường Mẫu giáo Phước Thắng, huyện Bác Ái.

Cô giáo Trần Thị Anh, Hiệu Trưởng Trường Mẫu giáo Phước Thắng tâm sự: Việc làm hồ sơ, thủ tục cho học sinh nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập và tiền ăn trưa năm nào cũng gặp khó khăn và bị chậm trễ do một số học sinh không có giấy khai sinh hoặc thông tin trong giấy khai sinh và sổ hộ khẩu không trùng khớp nhau, kéo theo sự chậm trễ chung của cả trường. Điều đáng nói hơn nữa, đa số phụ huynh đều không hiểu và quan tâm đến việc phối hợp cùng nhà trường hoàn thiện hồ sơ. Nhiều gia đình đi làm rẫy, gửi con lại cho ông bà nên khi cần xác minh thông tin thì giáo viên của trường phải lên tận rẫy để tìm.

Bác Ái là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh, trên 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc Raglai. Bà con sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy nên thường xuyên vắng nhà, trình độ nhận thức lại hạn chế nên ít ai quan tâm đến việc làm giấy khai sinh cho con. Việc phụ huynh để thất lạc giấy khai sinh, chưa làm hộ khẩu cho con, hoặc thông tin trong giấy khai sinh và sổ hộ khẩu không trùng khớp nhau là điều khá phổ biến ở các xã thuộc huyện miền núi Bác Ái hiện nay. Theo số liệu thống kê của huyện Bác Ái, trong 2 năm học 2012-2013 và 2013-2014, trên địa bàn huyện vẫn còn 509 học sinh thuộc diện được hưởng kinh phí hỗ trợ học tập và tiền ăn trưa theo quy định của Nhà nước nhưng do thiếu hoặc các loại giấy tờ xác minh không chính xác nên chưa được nhận hỗ trợ. Đồng chí Bùi Quốc Việt, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, phòng đã rà soát, lập lại danh sách, hướng dẫn gia đình, UBND các xã, các đơn vị trường học hỗ trợ để xác minh và hoàn thiện hồ sơ cho số học sinh này.

Việc kinh phí được cấp chậm đã gây không ít khó khăn cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện và càng khó khăn hơn khi từ năm học 2013-2014, thực hiện theo Nghị định số 74 của Chính phủ, đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ chi phí học tập thu hẹp lại (chỉ học sinh là con em gia đình thuộc diện hộ nghèo mới được hỗ trợ kinh phí). Đơn cử như ở Trường Mẫu giáo Phước Thắng, năm học 2014-2015 có 182 học sinh theo học tại 5 điểm trường, nhưng chỉ có 84 em thuộc diện hộ nghèo, trong đó có 2 em chưa có tên trong sổ hộ khẩu nên không thể lập hồ sơ. Những học sinh còn lại tuy không có sổ hộ nghèo nhưng điều kiện kinh tế gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn, huy động sự đóng góp vật chất từ phụ huynh là điều không thể. Để có kinh phí tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn trưa cho 100% trẻ tại trường, Trường Mẫu giáo Phước Thắng cũng như nhiều đơn vị trường học khác trên địa bàn huyện phải huy động giáo viên mỗi tuần ủng hộ 3 kg gạo cho bữa cơm của các cháu, đồng thời nhờ một số phụ huynh của trường thay phiên nhau đến trường chuẩn bị bữa ăn thay cho nhân viên cấp dưỡng hiện nay vẫn chưa được biên chế. Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục ở tất cả các cấp học để duy trì mô hình các trường bán trú, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ Mầm non.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, ngày 30-5-2014 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Tài Chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì từ năm học 2014-2015, việc tiếp nhận hồ sơ và thực hiện hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc trách nhiệm của Phòng GD&ĐT. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện các thủ tục khai sinh, hộ khẩu, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân và quyền lợi của mỗi học sinh được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.