Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga: Trân trọng lịch sử, hướng tới tương lai

Từ ngày 23-11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống V. Putin. Chuyến thăm sẽ đặt dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển năng động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Nga V. Putin thăm Việt Nam năm 2013
(Ảnh: TTXVN)

Tại Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống V.Pu-tin và các nhà lãnh đạo Liên bang Nga để thảo luận, đánh giá về những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua. Hai vị lãnh đạo cao nhất của hai quốc gia anh em sẽ cùng rà soát lại việc thực hiện các thoả thuận cấp cao, tiến độ triển khai các dự án lớn giữa hai nước; trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trên mọi phương diện, từ chính trị đến kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, dầu khí, điện hạt nhân, an ninh, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác; thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương hai nước; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, phối hợp hành động giữa hai nước trên trường quốc tế; trao đổi về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và tăng cường các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga thời gian gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ; quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã đi vào chiều sâu và ngày càng phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thực sự coi trọng và có nhu cầu hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga được nâng cao đáng kể, trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Nga trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á.

Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt, các chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Nga V.Pu-tin vào các năm 2001, 2006, 2013 các chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đến Cộng hoà Liên bang Nga vào các năm 2002 và 2010 bên cạnh các chuyến thăm khác của những người đứng đầu Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ của hai bên đã tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Nhìn lại lịch sử, hướng tới tương lai là cách nhìn thấu đáo nhất cho một hành trình phát triển. Cách đây hơn 90 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân lao động Việt Nam lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga xa xôi. Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và đất nước rộng lớn nằm ở châu Âu được khơi nguồn. Cùng với dòng chảy của thời gian, trải qua bao biến cố lịch sử, thăng trầm, mạch nguồn ấy đã trở thành một trong những dòng chảy mạnh mẽ và trong sáng trong quan hệ giữa các dân tộc yêu chuộng hoà bình và tiến bộ xã hội.

Tình hữu nghị lâu năm giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước được thể hiện hết sức rõ ràng trong thực tiễn. Nhờ sự giúp đỡ kỹ thuật của Liên Xô (trong đó có nước Nga ngày nay), Việt Nam đã tạo dựng được nòng cốt của nền công nghiệp. Những ngành công nghiệp then chốt như khai khoáng (than, dầu khí, apatit) năng lượng được xây dựng từ sau năm 1954 trở lại đây đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, chuyên gia Liên Xô (trong đó có nước Nga ngày nay) đã kề vai sát cánh cùng những người bạn Việt Nam lao động quên mình trên các công trường năng lượng, xây dựng các nhà máy nhiệt điện và thủy điện với tổng công suất hơn 4000MW, trong đó Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (vào thời gian đó) là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Trong nhiều thập niên, hàng vạn công dân Việt Nam đã được đào tạo trình độ đại học và trung học chuyên nghiệp tại Liên Xô (trong đó có nước Nga ngày nay). Tại các trường đại học của Liên Xô (trong đó có nước Nga ngày nay) đã đào tạo hơn 50 nghìn chuyên gia có trình độ đại học, trong đó hơn 2200 tiến sỹ khoa học.

Nga và Việt Nam có truyền thống phối hợp chặt chẽ các hoạt động của mình trên trường quốc tế, thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc và sự gần gũi về quan điểm của hai nước về nhiều vấn đề trọng yếu của chương trình nghị sự quốc tế. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong thời gian Việt Nam giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Nga và Việt Nam luôn nhất quán ủng hộ việc khẳng định những bước khởi đầu mang tính tập thể trong chính sách thế giới, hình thành hệ thống quốc tế đa cực dựa trên luật pháp quốc tế và quan hệ ngoại giao đa phương mà Liên hợp quốc giữ vai trò trung tâm.

Trong thời gian gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước đã ghi nhận nhịp điệu phát triển năng động. Kim ngạch thương mại năm 2013 đạt gần 4 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật. Một số vấn đề, được coi là những vướng mắc trong hợp tác thương mại, thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi ở các cấp, ngành và liên chính phủ đã dần được tháo gỡ. Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Ca-dắc-xtan – Bê-la-rút đã tiến hành 7 vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do và đang đặt mục tiêu hoàn tất vào cuối năm 2014, phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.

Liên bang Nga hiện đang có 92 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 2,05 tỷ USD, đứng thứ 18 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm gần đây cũng tăng nhanh. Từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD, hiện Việt Nam có 17 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, tiếp đó là ngân hàng, thương mại.... Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội – Matxcơva. Hai bên đã thành lập Tổ công tác cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên Việt – Nga, đã xác định 17 dự án ưu tiên, sẽ góp phần quan trọng tăng cường quan hệ đầu tư hiện nay giữa hai nước.

Hợp tác năng lượng cũng được thúc đẩy. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Hai bên cũng đạt thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các nhà máy điện ở Việt Nam, trong đó có Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.

Trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, Việt Nam và Nga duy trì Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng và Bộ Quốc phòng. Nga là đối tác quan trọng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này. Hai bên đã tiến hành Đối thoại chiến lược lần thứ nhất ở cấp Thứ trưởng Quốc phòng vào tháng 12/2013. Hiện nay, Nga vẫn là đối tác chính, quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp vũ khí, khí tài phục vụ công cuộc hiện đại hóa quân đội.

Nga cam kết mở rộng hợp tác khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự, đáp ứng nhu cầu cao nhất của Việt Nam trong củng cố tiềm lực quốc phòng và tăng cường khả năng phòng thủ.

Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam và Những ngày Văn hoá Việt Nam tại Nga. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đón gần 300 nghìn lượt khách du lịch Nga và 9 tháng đầu năm 2014 đón 270 nghìn lượt người.

Hợp tác giáo dục – đào tạo được mở rộng, hiện có gần 6.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nga, trong số đó có gần 2000 sinh viên đi học theo kênh Nhà nước. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt – Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng Nhà nước của Nga.

Hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và kỳ kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Matxcơva, Xanh Pê-téc-bua. Tháng 11/2013, Trung tâm Văn hóa – Thương mại Hà Nội được khai trương tại Matxcơva.

Có thể nói, quan hệ giữa Nga và Việt Nam mang tính toàn diện, dựa trên những truyền thống tốt đẹp nhất của tình hữu nghị anh em và hiểu biết lẫn nhau. Trong mối quan hệ ấy sẽ là không đầy đủ nếu như không đề cập đến những giai đoạn khó khăn, khi cả hai nước có nhiều những biến chuyển lớn lao trong đời sống chính trị - xã hội. Song, với những nỗ lực chung, nhân dân hai nước không chỉ giữ gìn mà còn làm tăng giá trị di sản hữu nghị truyền thống lên gấp nhiều lần.

Nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga có quyền tự hào khẳng định rằng, trên tầm cao quan hệ - quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - là những người bạn tin cậy, nhân dân hai nước sẽ tiếp tục vững bước trên con đường hợp tác vì hoà bình, thịnh vượng, vì một tương lai tươi sáng của hai dân tộc.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam