Từ chuyện ông Carnot xưa...

(NTO) Chuyện kể rằng ông Marie Francois Sadi Carnot nguyên là tổng thống nước Pháp. Một hôm, nhân chuyến về thăm quê nhà, ông đi ngang qua trường làng, trông thấy người thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã rất già, nhưng vẫn đang ngồi trong lớp.

Ông Carnot ghé vào thăm trường và đến ngay lại trước mặt thầy giáo, mà rằng: “Chào thầy, con là Carnot đây, thầy còn nhớ con không?”. Rồi ông bảo những học trò nhỏ: “Ta trước là mang ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy đây, vì nhờ thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay”.

Chuyện ông Carnot là vậy, đơn sơ mà cảm động. Vị tổng thống không yêu cầu chính quyền địa phương sắp đặt đón mình, không cần dọn dẹp trường lớp, trang hoàng lộng lẫy với băng rôn, biểu ngữ và cũng không bắt học trò làm hàng rào danh dự chào mừng. Nhưng cảm động nhất là hình ảnh một nguyên thủ quốc gia “đến ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép” trong lúc thầy vẫn điềm nhiên giảng dạy các trò nhỏ. Đối với người thầy giáo già, chẳng cần biết có “ông lớn” tới, chẳng cần chạy vội ra cổng trường xum xoe đón tiếp, rồi hộ tống vào lớp tham quan, huấn thị này nọ. Người thầy giáo già vẫn dạy học bình thường như mọi ngày. Carnot quyền uy hôm nay vẫn là cậu học trò nhỏ tinh nghịch của ngày xưa đã từng bị thầy khẻ tay, véo tai, bắt quì phạt!

Nghe chuyện xưa để ngẫm chuyện nay. Nghề Giáo được vinh danh bằng nhiều mỹ từ “Giáo dục”, “Mô phạm”, “Kỹ sư tâm hồn”. Thời Nho học thịnh hành, vai trò, vị thế của người thầy chỉ đứng sau vua, “quân - sư - phụ”. Câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’’ khẳng định lòng kính trọng tuyệt đối, nghĩa thầy trò sâu nặng. Vì lẽ đó, xã hội đòi hỏi ở các người thầy bao tiêu chuẩn, là tấm gương để học sinh noi theo.

Xã hội tiến bộ, giáo dục cũng đổi thay tùy hoàn cảnh đất nước. Vị thế của người thầy vô hình trung bị “kỹ nghệ hóa’’ như bao ngành nghề khác. Đáng buồn hơn, có lúc, có nơi, không ít các bậc cha mẹ nghe lời con mà phê phán, gây hấn, hăm dọa thầy, cô giáo; thậm chí có học sinh còn “thượng cẵng chân, hạ cẵng tay” với thầy cô.

Là người, không ai hoàn hảo cả. Thầy, cô giáo cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu xã hội thiếu kỷ cương, luật pháp thiếu nghiêm minh thì hậu quả tai hại không phải chỉ một thế hệ đương thời mà nhiều thế hệ tương lai. Bởi lẽ, nghề dạy học đòi hỏi nhiều thử thách, công sức, sáng tạo và nghệ thuật. Thầy, cô giáo như con ong chuyên cần đắp xây tổ tươm mật ngọt, nhận lãnh thiên chức đào tạo hữu hiệu con người biết sống có tình, có nghĩa. Một điều căn cơ là giáo dục không phải công cụ, sản phẩm của riêng ai.

Bất cứ thời đại nào, từ ngàn xưa, hôm nay và mãi đến ngàn sau, người thầy vẫn tượng trưng cho khuynh hướng thế hệ đương thời, chiếc gương thời đại phản ảnh ước vọng tuổi trẻ, nguồn cảm hứng dồi dào trong mọi lĩnh vực mà đạo đức phải luôn đồng hành với kiến thức. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” là vì lẽ đó.

Tôn vinh nghề giáo, tôn kính thầy cô không chỉ là truyền thống ngàn đời của người Việt Nam; đó còn là góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho lâu đài học vấn của mỗi công dân, cho tương lai đất nước.