Kiềm chế cảm xúc - dễ hay khó?

(NTO) Buồn, vui hay tức giận, đó là trạng thái tâm lý chung của mỗi người. Mọi việc diễn ra dù nhỏ hay lớn đều ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có làm chủ được những cảm xúc đó hay không và làm chủ nó bằng cách nào.

Để không phải đối mặt với thất bại, chúng ta cần phải biết rèn luyện được kỹ năng làm chủ cảm xúc. Kiềm chế cảm xúc, chúng ta sẽ khống chế được những cơn giận dữ. Trong bất kỳ tình huống nào, cơn giận bộc phát cũng đều có hại cho sức khỏe cơ thể và cho mối quan hệ xã hội. Khi để sự giận dữ bủa vây, bạn sẽ không đủ bình tĩnh để cư xử đúng mực, mọi quan hệ sẽ bị phá vỡ. Vì vậy, cần tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Không nên nhìn nhận vấn đề theo một hướng, để rồi chỉ nhận thấy sai lầm ở người khác mà không nhận ra những thiếu sót ở bản thân. Nếu biết kiểm soát nó đúng cách, bạn sẽ điều khiển được hành động, cảm xúc của mình và kể cả người đối diện. Hãy để người đối diện mạnh dạn đưa ra những ý kiến, những bực dọc trong lòng, như vậy mới có thể giải tỏa được sự tức giận. Khi đó, bạn và người đối diện mới có đủ thời gian bình tĩnh suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.

Tôi có một người bạn thời trung học, chỉ cần không vừa ý điều gì là cô ta liền nổi giận một cách vô cớ và sau mỗi lần như vậy lại nói lời xin lỗi. Có lần vì không kiềm chế được, vô tình đã xúc phạm đến người bạn thân, làm tổn thương đến tình cảm bạn bè. Nhờ sự góp ý chân thành của bạn bè, cô ta đã nhận ra được hạn chế của bản thân và tìm cách khắc phục.

Kiềm chế cảm xúc, vấn đề thật không dễ, tuy nhiên vẫn có cách để chúng ta rèn luyện khả năng kiềm chế và kiểm soát bản thân. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và bản lĩnh của mỗi người. Làm chủ được bản thân sẽ giúp bạn kiểm soát tốt những tình huống khó khăn, phản ứng nhanh với những thay đổi của cuộc sống. Để giải quyết vấn đề có rất nhiều cách, “nổi giận” không phải là cách đem lại hiệu quả cho công việc, vì tức giận sẽ làm cản trở suy nghĩ của bạn. Để không rơi vào trạng thái giận dữ, chúng ta cần hiểu rõ tác hại của nó. Chủ động kiềm chế cảm xúc của mình bằng những cách thích hợp, bình tâm suy nghĩ vấn đề theo hướng tích cực. Đừng để trạng thái căng thẳng, giận dữ... làm ảnh hưởng đến tâm trí của bạn, tổn thương đến người xung quanh và khi hậu quả xảy ra thì hối hận đã muộn.

Nếu làm chủ được cảm xúc, bạn sẽ tạo ra được mối quan hệ chân thành và sâu sắc với người khác. Kiềm chế cảm xúc giúp bạn thêm lạc quan, yêu đời và tăng khả năng thành công trong cuộc sống.