Những con chữ màu đỏ

(NTO) Thật ra, những con chữ màu đỏ mà tôi muốn đề cập trong bài viết này chẳng có gì bí ẩn hay lạ lẫm mà đơn giản chỉ là những con chữ của “sếp” khi biên tập tin, bài cho chúng tôi được viết bằng màu đỏ. Ông bà ta có câu “một chữ cũng là thầy”, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi chợt nhớ về một “người thầy” trong nghề của mình từ khi chập chững vào Ngành với những con chữ màu đỏ mà “thầy” đã rèn luyện tôi từng ngày trong sự nghiệp viết lách.

Ngày xưa, cái tuổi cắp sách đến trường, thầy cô thường dùng mực đỏ để chấm điểm, đánh giá, nhận xét học sinh. Theo đó, năng lực của học sinh cũng “thăng trầm” qua từng con điểm, từng lời phê đỏ chót. Cứ nghĩ rằng, đã qua cái thời trẻ trâu học trò ấy thì sẽ chẳng còn bắt gặp những con chữ màu đỏ thân yêu như thế nữa, nhưng với tôi lại khác…

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên tôi mới về nhận công tác tại Đội truyền hình ANNT. Có lẽ, vì đã có thời gian thực tế ở Đội thời sinh viên nên khi bắt đầu chính thức “nhập cuộc”, tôi đã được “ưu ái” giao cho thực hiện phóng sự truyền hình gương người tốt việc tốt trong lực lượng công an. Quả thật, lúc nhận nhiệm vụ, tôi chẳng thể nào hình dung ra tôi sẽ viết những gì và bắt đầu như thế nào, bởi tôi chưa từng kinh qua thể loại này ở dạng báo hình. Mặc khác, kiến thức về nghiệp vụ pháp luật và nhiệm vụ của chủ thể tôi đề cập cũng chưa thật sự định hình, định dạng. Sau nhiều ngày trăn trở, cộng với sự động viên, giúp đỡ của các anh chị cùng Đội, tôi cũng đã có trong tay sản phẩm của mình, đường hoàng trình duyệt.

Khỏi phải nói tôi đã hồi hộp, lo lắng chờ đợi kết quả như thế nào. Những ý nghĩ khen, chê và có thể trả về vì không dùng được cứ xoáy lấy tâm trí tôi. Cuối cùng thì sản phẩm của tôi cũng trở về với khổ chủ của nó. Sản phẩm của tôi chi chít những con chữ màu đỏ của “sếp” kèm theo lời phê “nhầm lẫn trầm trọng giữa báo hình và báo viết” khiến tôi hoa mắt. Sự nhẫm lẫn cơ bản đã làm cho sản phẩm của tôi trở nên thảm hại. Tôi buồn mất mấy ngày.

Nghiệp làm báo mà lại báo hình trong lực lượng công an được ví như “một nghề hai nghiệp”, không tự do phóng túng mà bị ràng buộc bởi kỷ luật, kỷ cương của Ngành. Điều đầu tiên là phải tuân thủ sự chặt chẽ, chính xác và đảm bảo bí mật nghiệp vụ trong lực lượng công an, từ ngữ, câu chữ nhất thiết là phải theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của Ngành, không được cẩu thả. Vậy mà, cái thói “cẩu thả” thời trẻ trâu tôi chưa sửa được đã thực sự làm hại tôi lúc này. Tôi đã làm “sếp” “tiêu tốn” nhiều mực đỏ với hàng loạt dấu chấm than, chấm hỏi trong mỗi tin bài của mình, nếu không muốn nói là nhiều lần làm “sếp” bị “strees”.

Những lúc ấy, tôi thật sự ân hận, tôi muốn gặp và tâm sự thật lòng với “sếp”, xin lỗi và cầu thị nhưng vốn bản tính nhút nhát tôi đã không dám gặp. Tôi tự nhủ chỉ có thể tự mình cố gắng khắc phục, chịu khó học hỏi và dần dần sẽ tiến bộ. Đấy chính là lời xin lỗi thật tâm nhất, hiệu quả nhất mà tôi gởi đến “sếp”. Theo thời gian, những bài viết của tôi ít nét mực màu đỏ hơn và đã bắt đầu xuất hiện những câu cảm thán “Viết tốt! Biểu dương!” khiến tôi sung sướng đến mất ăn mất ngủ.

Và chính những con chữ màu đỏ ấy đã rất có ý nghĩa trong sự nghiệp viết lách của tôi. Nếu không có chúng, tôi sẽ không biết mình sai ở đâu, lệch chỗ nào và tay nghề của tôi vẫn sẽ dậm chân tại chỗ. Những con chữ màu đỏ còn là nguồn động viên, thúc đẩy ngòi bút của tôi ngày càng “bén”, càng có hiệu quả trong công tác tuyên truyền.

Cho đến bây giờ, với hơn chục năm công tác, sản phẩm của tôi đã lên đến hàng trăm, hàng ngàn và những con chữ màu đỏ vẫn sẽ còn tồn tại, khi ít, khi nhiều.