Phước Bình: Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế bền vững

(NTO) Phước Bình (Bác Ái) có tổng diện tích tự nhiên khoảng 28.000 ha, dân số hơn 4.000 người, trong đó chiếm gần 90% là đồng bào dân tộc Raglai. Đồng chí Pi Năng Hoàng, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm trước đây, do mặt bằng dân trí thấp, hệ thống giao thông thủy lợi, kết cấu hạ tầng còn hạn chế và chưa được đầu tư nên đời sống nhân dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn.

Song những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đời sống của nhân dân ngày được cải thiện. Người dân ngày càng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp, ngành phát động. Trong đó việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từ hướng dẫn cụ thể của Mặt trận xã, Ban công tác Mặt trận các thôn đã phối hợp chặt chẽ với các chi hội, đoàn thể xác định từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, từ đó vận động từng hộ dân đăng ký tham gia, qua việc triển khai, nhiều nội dung của cuộc vận động đã được nhân dân thực hiện đạt được kết quả đáng khích lệ.

 
Đường về trung tâm xã Phước Bình.

Điển hình như công tác vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thay đổi cách thức làm ăn vươn lên thoát nghèo. Từ các dự án, chương trình của Đảng và Nhà nước đầu tư đã động viên nhân dân từng bước đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; thông qua các đợt tập huấn, hội nghị đầu bờ và các mô hình khuyến lâm, khuyến nông, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Như việc thay thế bắp địa phương bằng các giống bắp lai; chuyển đổi các vùng trồng cây lương thực không hiệu quả thành các loại cây ăn trái lâu năm như sầu riêng, bưởi, cà phê, mít, đào…; đặc biệt cải tạo những vùng đất đồi núi trồng chuối sứ rất hiệu quả. Theo thống kế, toàn xã Phước Bình hiện có khoảng 600 ha bắp lai; trên 200 ha chuối; hơn 500 đào… Từ việc thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 6 – 8%, hiện toàn xã còn khoảng 33% hộ nghèo.

Ban công tác Mặt trận các thôn trên địa bàn xã còn chú trọng đến việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư, phấn đấu xây dựng danh hiệu thôn, làng văn hóa. Việc vận động các gia đình thực hiện nếp sống văn minh được xem là tiêu chí đầu tiên. Qua việc vận động, hiện nay các lễ hội “việc cưới, việc tang” trên địa bàn xã đã dần được đơn giản theo hướng tiết kiệm, xóa bỏ các tập tục lạc hậu nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc. Hàng năm có trên 70% hộ gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa. Qua thống kê, đến nay toàn xã đã có 250 hộ được công nhận là hộ gia đình văn hóa 3 năm liền.

Đồng chí Katơr Lương, Chủ tịch Ủy Ban MTTQVN xã Phước Bình cho biết: những kết quả mà cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương.