Phát triển kinh tế biển nhìn từ hoạt động khai thác hải sản

(NTO) Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2011 đến nay, quy mô kinh tế thủy sản có xu hướng tăng lên, cơ cấu ngành nghề bước đầu có sự thay đổi tích cực. Năng lực khai thác hải sản tăng mạnh từ 30-40 tàu/năm, tăng chủ yếu ở nhóm tàu có công suất từ 200 CV trở lên.

Với đà phát triển này, ước đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 960 tàu công suất từ 90 CV trở lên và nâng năng lực khai thác toàn tỉnh lên đến 2.760 chiếc/280.000 CV, vượt 260 chiếc và 70.000 CV so với kế hoạch. Hiện nay, chỉ tính riêng trong đội tàu có công suất từ 250-700 CV, toàn tỉnh đã có gần 380 chiếc.

Ngư dân Vĩnh Hải (Ninh Hải) được mùa vụ cá thu. Ảnh: Văn Miên

Theo đó sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng dần, riêng năm nay dự kiến đạt sản lượng 70.000 tấn. Về ứng dụng khoa học kỹ thuật, nổi bật là việc đưa máy dò ngang vào thực tiễn đánh bắt hải sản đã làm tăng sản lượng khai thác bình quân từ 50-55%. Do phát huy được hiệu quả nên đến nay toàn tỉnh có khoảng 155 tàu có máy dò ngang và hiện còn khá nhiều tàu xa bờ đang tiếp tục đặt hàng để lắp đặt. Kỹ sư Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh) nhìn nhận: Máy dò ngang đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động đánh bắt, là bước tiến mới góp phần vào lộ trình CNH,HĐH nghề cá tỉnh nhà.

Với sức phát triển đó, đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng các cảng, bến cá đồng bộ. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, đến nay tỉnh ta đã được đầu tư, nâng cấp và mở rộng 3 cảng cá (Đông Hải, Ninh Chử, Cà Ná) và 1 bến cá Mỹ Tân, với khả năng neo đậu 3.200 tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá địa phương vào cập cảng bốc dỡ hàng hóa, tiếp nhận các dịch vụ, neo đậu tránh trú gió, bão an toàn... Nhiều ngư dân như ông Phạm Thứ, ở xã Tri Hải (Ninh Hải), ông Trần Chiêm ở phường Mỹ Đông (Phan Rang-Tháp Chàm) khi trao đổi với chúng tôi đều khẳng định việc tàu thuyền ra vào luồng lạch và neo đậu tại cảng cá, bến cá ngày càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đánh giá thực trạng ở tỉnh ta cho thấy những tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển vẫn chưa khai thác đúng mức do trình độ sản xuất và khả năng cung cấp dịch vụ hậu cần còn thiếu và yếu. Mặt khác, do vốn đầu tư phát triển hạn chế nên kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém. Điều này thấy rõ ở bến cá Mỹ Tân (Thanh Hải, Ninh Hải), anh Nguyễn Toàn, đóng chiếc tàu cá 500 CV nhưng do không vào được luồng lạch để neo đậu bến nhà, anh buộc phải bán lại cho ngư dân Khánh Hội.

Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: Hạ tầng cảng cá không chỉ góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản tại địa phương, mà còn là yếu tố cần thiết để hình thành trung tâm thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực theo hướng phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh vùng biển. Vì vậy để khai thác hải sản đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế biển, trong thời gian tới, tỉnh ta quy hoạch đầu tư các dự án: Nâng cấp bến cá Mỹ Tân lên cảng cá loại 2 (do nhu cầu phát triển năng lực khai thác tại địa phương và các tỉnh lân cận); khu neo đậu tránh trú bão tàu cá cấp vùng và nâng cấp cảng cá Cà Ná lên cảng cá loại I (có khả năng mở rộng sức chứa khoảng 1.200-1.300 tàu công suất đến 800-1.000CV); nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện cảng cá Đông Hải kết hợp đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão sông Cái cấp tỉnh; xây dựng bến cá Sơn Hải (đáp ứng nhu cầu cho hơn 100 tàu của Phước Dinh). Đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải biển, tỉnh ta đang xúc tiến đầu tư cầu cảng vận tải đến 2.000 tấn (dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2015) tại cảng cá Ninh Chử.

Toàn tỉnh hiện có hơn 19.500 lao động trên các tàu khai thác, trong đó có 130 lao động trên đội tàu 12 chiếc thường xuyên hoạt động trên vùng biển xa và 7.900 lao động trên khoảng 800 tàu chuyên hoạt động ở vùng lộng, vùng biển xa bờ. Cho nên các dự án nói trên khi hoàn thành sẽ đẩy mạnh phát huy nghề cá nhân dân, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để tiếp tục khai thác các lợi thế tiềm năng về biển. Mặt khác với việc tập trung đầu tư hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực Cà Ná-Phước Diêm, Đông Hải sẽ tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp đóng, sửa tàu thuyền và dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, góp phần vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh và bảo vệ chủ quyền trên biển.