CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Thật thà thôi… chưa đủ!

(NTO) Cuối tuần rồi có dịp ra chợ, chủ yếu là để xem “đời sống” kinh tế của người dân phát triển đến đâu… Đúng là quá phong phú, không chỉ đa dạng với nhiều sắc màu hàng hóa, chủng loại mà còn ở sự giao tiếp, cách mua, cách bán. Dạo qua hàng rau, một chị với thúng rau cải xanh non ngồi đầu chợ đon đả: Anh mua đi, rau nhà trồng sạch… 100% đó.

Đúng là có “sạch”, bởi chỉ nhìn thúng cải non tơ, xanh mướt dễ dẫn đến cảm giác “cả tin”- nhất là hàng “tự sản, tự tiêu”- đối với người mua. Và tôi cũng vậy. Đáng nói là giá cũng rẻ ngang với cải cây, chỉ 1.000 đồng/ lạng nghĩa là bằng tiền 1 bó cải. Có điều, cải non này tuy ngon nhưng lại “kén” người mua nên bán cũng không chạy. Theo chị bán hàng, do nhiều người mua thường mua cải bẹ để nấu canh hay luộc còn cải non này chỉ dành cho ăn sống. Thế mới biết, đâu phải làm ra rau sạch là bán được!

 
 Người tiêu dùng mua rau xanh  tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Gần đây, báo chí thông tin khá dày về thực phẩm bẩn. Nào là sản xuất dầu từ mỡ, da heo thối; nào là heo bị bơm nước để tăng ký; nào là người chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng độc hại để thúc gà, heo… tăng ký nhanh, kiếm lợi lớn… Ấy vậy mà thịt gà, heo tại các chợ vẫn bán chạy vì theo các bà nội trợ không mua thì biết… ăn gì đây?. Thôi thì cả tin vào người bán vậy!. Đưa ra câu chuyện này, điều chúng tôi muốn nói rằng hiện trên thị trường “thật, giả” đang lẫn lộn bởi “bàn tay phù phép” của người bán hàng. Người chăn nuôi, người sản xuất rau, củ, quả thật thà không sử dụng các hóa chất độc hại để làm tăng trọng, tăng trưởng cho vật nuôi, cây trồng…thì phải đầu tư cao, chăm sóc dài ngày, chi phí lớn; ngược lại, không ít người sản xuất vì chạy theo lợi nhuận nên làm ăn gian dối bằng việc sử dụng các chất cấm nhằm rút ngắn thời gian sản xuất cây trồng, vật nuôi để giảm chi phí, có lãi cao hay nói khác hơn là… hám lợi riêng mà xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng khi đưa ra chợ tiêu thụ thì “cá mè một lứa” vì không có “cơ sở” để chứng minh đâu là sản phẩm “sạch”, đâu là không ngoài niềm tin được xác lập giữa người mua với sự “chân thật” của người bán. Cũng chính vì điều này mà để “tồn tại” người sản xuất “thật thà” sau một thời gian cũng buộc phải… “ai sao tôi vậy!”. Chỉ có người tiêu dùng là… “lãnh đủ” hậu quả mà thôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người sản xuất chỉ “thật thà” thôi cũng chưa đủ, đây chỉ là điều kiện “cần” còn điều kiện “đủ” là phải thay đổi cách nghĩ từ “tự sản tự tiêu” sang tổ chức thành tập thể sản xuất với quy mô có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Cũng với “công thức” cũ là: Cần tạo liên kết “4 nhà” thì sản phẩm nông nghiệp “sạch” hay theo tiêu chuẩn VietGAP mới thực sự được bán đúng giá trị thật và hướng đến lâu dài đó là gắn kết “hài hòa” giữa lợi nhuận của người sản xuất với lợi ích cao nhất là sức khỏe người tiêu dùng. Đây mới là giải pháp vừa bền vững, vừa loại trừ dần kiểu làm ăn gian dối, “đánh đố” người tiêu dùng.