Trung tá Nguyễn Văn Nhung và tấm lòng của người quản giáo

(NTO) Trung tá Nguyễn Văn Nhung, Phó Phân trại quản lý phạm nhân thuộc Trại Tạm giam Công an tỉnh bảo rằng anh có thể nhớ tên và địa chỉ đến 85% số phạm nhân mà trại quản lý và anh có thể kể vanh vách cho tôi nghe vô số câu chuyện về phạm nhân đã từng được anh giáo dục. Âu cũng là duyên số với nghiệp mà anh đang mang!

Câu chuyện nhỏ về một nữ phạm nhân

Vốn là người kiệm lời, Trung tá Nguyễn Văn Nhung ít thích nói về mình. "Đò đưa" mãi tôi vẫn không sao khiến cho anh trải lòng về công việc quản giáo. Xếp “đồ nghề” chào anh ra về, chợt nhớ đến một phạm nhân nữ với tội hiếp dâm mà đã có lần tôi được gặp, muốn biết về quá trình cải tạo của em nên tôi đã hỏi thăm. Chẳng dè nút thắt được "cởi", Trung tá Nguyễn Văn Nhung hồ hởi “Con bé ấy được đặc xá về lâu rồi”. Và như khơi trúng mạch, anh không ngần ngại kể cho tôi nghe về cuộc hội ngộ của cô bé phạm nhân ấy với anh cách đây không lâu.

Trung tá Nguyễn Văn Nhung.

Hôm ấy, anh đi dự đám cưới của Q., một phạm nhân trước đây thi hành án tại Trại. Vừa bước ra khỏi hôn trường, anh nghe tiếng gọi từ phía sau “Chào cán bộ!”. Thoáng chút ngỡ ngàng vì anh chỉ quen nghe câu nói ấy trong môi trường Trại tạm giam. “Cán bộ cũng đi dự đám cưới của anh Q. à”, nghe đến đây, anh nhận ra V., một phạm nhân nữ vừa mới được đặc xá tha tù về cũng khá lâu. Anh đùa “Ai lại từ chối khi còn có người vẫn nhớ về mình. Mà này, bây giờ chúng ta có quyền bình đẳng như nhau. V chỉ cần gọi tôi là anh, hoặc chú cũng được chứ cái từ Cán Bộ gọi chưa chán sao? Chúng ta nên cho nó về quá khứ nhé”. V. cười nhẹ nhàng và kịp luồn bàn tay để cầm lấy tay người bạn trai đi cùng.

Như ngày nào, V. vẫn nhỏ nhẹ vô tư trong sáng với mọi người, ấy vậy mà ít ai biết rằng đã có một thời V. đánh mất mình chỉ vì đua đòi, muốn thể hiện để làm vui lòng chúng bạn.

Cách đây đã hơn mười năm, V. bước vào Trại Tạm giam với tội danh hiếp dâm, án phạt 7 năm. Con gái mà mang tội danh này, nghe cũng hơi “nghịch lý” một chút. Hôm ấy, như thường lệ, V. cùng chúng bạn đi chơi về, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, V. lại nghe lời và tiếp tay cho chúng bạn bằng cách chở một nạn nhân nữ đến chỗ vắng để đám bạn phạm tội.. Khi ấy V. chỉ mới là cô học sinh THPT. Bỏ lại tất cả tương lai ở phía trước V. bước vào cổng trại giam ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Những ngày đầu mới vào trại V. rất lo sợ, bộc lộ những suy nghĩ rất nặng nề, tiêu cực. V. cho rằng cuộc sống bạc đãi với em? V. ít ăn và hầu như không ngủ, người hốc hác và gầy hẳn đi. Nghĩ giận mà lại thương, V. cũng chỉ mới bằng tuổi con mình, Trung tá Nguyễn Văn Nhung đã gần gũi tìm hiểu tâm tư, động viên dạy bảo. Đều đặn vài hôm, quản giáo Nhung hỏi thăm sức khỏe, rồi tâm sự, rồi dạy dỗ. “Mưa dầm thấm lâu”, V. dần hiểu được cái sai của mình, hiểu được giá trị của cuộc sống. Cô yên tâm cải tạo, lao động và được đặc xá tha về trước thời hạn.

Giờ gặp lại, V. vui vẻ với một công việc ổn định, một tình yêu vững bền khiến quản giáo Nhung cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn đầy hiển hiện qua khóe mắt. Anh kết thúc câu chuyện của mình về cô bé V. bằng một cái hẹn với tôi “Hôm nào rảnh lên nhà V. chơi cho biết nhé”.

Và những câu chuyện về những phạm nhân cứng đầu

Tấm lòng nhân hậu, đầy tình thương và trách nhiệm của quản giáo Nguyễn Văn Nhung còn được thể hiện qua những câu chuyện về những phạm nhân “cứng đầu” mà anh từng quản lý, giáo dục trong suốt quãng thời gian anh làm quản giáo.

Đầu tiên là câu chuyện về tên tội phạm Trịnh Công Sơn. Sơn là một tên lưu manh chuyên nghiệp, hắn sẵn sàng xuống tay với những ai dám đối đầu với hắn. Và cũng sẵn sàng đổ vấy tội lên đầu người khác. Trong một lần thể hiện máu yên hùng, Sơn đã “xộ khám”. Cái án 3 năm tù giam cho hành vi cố ý gây thương tích dành cho Sơn chẳng khác nào một cái gông đeo vào cổ hùm dữ. Thế nên mọi sự bực tức, ngang tàng đều được Sơn thể hiện trong những ngày đầu vào Trại. Đối với một phạm nhân, ngay khi bước chân vào trại đã được dạy những điều cơ bản chào hỏi cán bộ, nội quy ăn ở trong buồng giam… Thế nhưng với Sơn, những điều răn dạy ban đầu ấy đều bị hắn bỏ ngoài tai, chống đối những nội quy, quy định của Trại, kích động những phạm nhân khác chống phá đã gây không ít ảnh hưởng môi trường của Trại Tạm giam. Trung tá Nhung tâm sự: Tiếp cận Sơn không phải đơn giản, hắn luôn tỏ thái độ lầm lì để chống đối lại quản giáo. Vì đã quá quen với những trường hợp như thế nên tôi đã tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình Sơn và đánh vào tâm lý hắn bằng tình cảm gia đình. Sau nhiều lần “độc thoại” với hắn, cuối cùng hắn cũng đã chịu đối thoại với tôi. Sau này, khi bước chân ra khỏi trại trở về nhà, Sơn đã nắm tay tôi và nói lời xin lỗi. Mỗi lần nhận những lời xin lỗi của phạm nhân là một lần tôi đúc rút thêm cho mình một kinh nghiệm trong nghề quản giáo.

Nhớ về tên tử tù Trần Văn Lượm, Trung tá Nguyễn Văn Nhung không khỏi chạnh lòng. Dẫu biết rằng tội ác của hắn là phải bị trừng trị bằng mạng sống, nhưng nhớ lại giây phút chuẩn bị ra pháp trường của Lượm, anh lại dấy lên sự thương cảm. Vốn là một người nghiện cờ bạc, Trần Văn Lượm đã xuống tay một cách tàn nhẫn với người chạy xe Honda ôm nhằm cướp xe máy bán lấy tiền đánh bạc. Tội ác của Lượm không thể dung tha, hắn đã nhận bản án cao nhất tử hình.

Theo lời kể của Trung tá Nhung thì khi mới vào trại, biết tội lỗi của mình khó tránh khỏi cái chết, Lượm đã trở nên manh động. Nhất là sau khi tòa tuyên án tử hình, trở về Trại Tạm giam, Lượm đòi hỏi yêu sách đủ điều và luôn chống đối lại những quy định của Trại. Theo quy đinh, mỗi ngày, phạm nhân chỉ được tắm nắng hai lần tại phòng tắm nắng riêng, nhưng biết trước sau gì mình cũng chết nên Lượm đã đòi hỏi phải cho y tắm nắng nhiều hơn, đòi hỏi chế độ thăm gặp người thân nhiều hơn. Hiểu được hoàn cảnh gia đình Lượm với 4 đứa con thơ và một người vợ không nghề nghiệp, Trung tá Nhung đã sử dụng “bài thuốc” “mưa dầm thấm lâu” động viên Lượm bằng lời lẽ chân tình của một người quản giáo. Dần dần, Lượm hiểu ra và ngoan ngoãn chờ ngày ra pháp trường. Trong suốt thời gian đó, Lượm đã coi Trung tá Nhung như một người thầy, một người bạn và một người tri kỷ cuối đời của hắn. Hôm hắn ra pháp trường, đích thân anh dậy từ 3 giờ sáng để nấu cho hắn bữa ăn cuối cùng và không phải Lượm là người duy nhất được anh phục vụ bữa cơm cuối cùng trong cuộc đời. Khi được nói lời sau cùng, Lượm đã ngấn lệ, giọt nước mắt hiếm hoi của kẻ thủ ác cũng đã lăn “Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám thị trại, cảm ơn các cán bộ quản giáo đã đối xử rất nhân đạo với tôi”. Nói rồi, Lượm đưa mắt tìm quản giáo Nhung. “Khoảng khắc ấy, tôi chẳng bao giờ quên được”, Trung tá Nhung chùng giọng.

Mỗi câu chuyện mà Trung tá Nhung kể với tôi là một nỗi niềm riêng của anh đối với "nghề" quản giáo của mình và đối với mỗi phạm nhân. Nếu trời không sập tối, có lẽ tôi đã còn được nghe nhiều câu chuyện nữa của anh...