Chuyện về “đạo đức và trách nhiệm”

(NTO) Cuộc sống thường ngày, dù ở bất cứ đâu, cụm từ “đạo đức”, “trách nhiệm” được nêu lên khá nhiều, như là sự tất yếu mỗi cá nhân cần phải có. Vậy nên có chuyện người ta hay “dạy dỗ” nhau phải thế này, thế kia “về đạo đức”, “về trách nhiệm”. Những người trong câu chuyện dưới đây thì “đạo đức và trách nhiệm” ở họ là việc làm bình thường như dòng máu chảy trong huyết mạch mỗi con người.

Anh vốn được rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội. Sau này vì hoàn cảnh gia đình anh xin chuyển ngành sang công tác cơ quan nhà nước. Vốn ý thức kỷ luật cao nên hàng ngày anh thường có mặt tại cơ quan trước giờ làm việc ít nhất là mười phút và chỉ ra về khi hết giờ làm việc. Bất cứ nhiệm vụ gì được giao anh đều cố gắng hoàn thành tốt.

Trong sinh hoạt Đảng, họp cơ quan anh thường là người hăng hái phát biểu góp ý chân tình cái được, cái chưa được và nêu rõ nguyên nhân. Bản thân anh có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tập thể. Anh được đồng nghiệp yêu mến, lãnh đạo cơ quan tin tưởng. Đến nay, anh có thâm niên trên hai mươi năm giữ chức trưởng phòng, nhiều người nhờ anh dìu dắt, giúp đỡ nay đã trưởng thành là cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh. Có người ái ngại bởi người như anh mà không được đề bạt giữ chức vụ cao hơn. Anh trải lòng tâm sự: Ở cương vị công tác nào cũng phải làm việc với trách nhiệm cao nhất, vì tập thể, vì cái chung là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi, chắc gì ở cương vị cao hơn mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và nếu như vậy là có lỗi với chính mình, với nhân dân, đất nước. Nghe anh tâm sự tôi thấy sự đời sao mà bình dị, mộc mạc đến vậy mà mình không thể nhận ra.

Trong một lần em gái tôi bị tai nạn, được một bác sĩ tận tình cứu chữa. Ngày anh mổ cho em tôi đến gần mười một giờ đêm mới xong cũng là ngày cha đang bệnh nằm tại nhà mà chưa rõ nguyên nhân. Gặp anh để nói lời cảm ơn nhưng lần nào anh cũng bận cứu chữa bệnh nhân. Tôi phải kiên trì lắm, mới hẹn gặp được anh lúc 17 giờ ngày thứ bảy (ngày nghỉ). Hẹn là vậy nhưng phải gần 20 giờ mới thấy anh đến. Sau cái bắt tay, anh giãi bày: Ông thông cảm, cuối giờ chiều nay tôi tiếp nhận một ca là chị phụ nữ khoảng 35 tuổi bị tai nạn khi làm việc, gãy xương tay, chân, gia đình thì nghèo mà chồng lại mất khả năng lao động, ca này phải chữa trị ít nhất 6 tháng. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên anh giải thích: Ông cứ suy từ cây gãy ra là hiểu, nó gãy ở nhiều đoạn, muốn cho nó lành lặn thì phải băng bó hết các chỗ gãy lại để nó liền nhau và dẫn nhựa ra nuôi sống cả cây; ở người nếu làm như chữa cây gãy là “hết trách nhiệm” nhưng nếu như vậy thì ta đã tước đi quyền làm việc của họ chưa kể tuổi thọ do đó cũng giảm theo. Bị cuốn hút theo câu chuyện, tôi hỏi: Thế thì phải làm sao? Anh cho biết: Ngày mai tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn mổ vị trí nào trước, vị trí nào sau sao cho sau này chị ấy trở lại gần như bình thường, có khả năng lao động để nuôi bản thân và chăm sóc gia đình, xã hội bớt đi ít nhất hai gánh nặng (hai vợ chồng tàn tật) nên phải tốn nhiều thời gian, người bác sĩ cũng phải bỏ ra công sức nhiều hơn. Rồi anh nói thêm: Họ nghèo lắm không có bảo hiểm y tế mà chi phí gần cả trăm triệu, tôi đã kêu gọi anh em y, bác sĩ ủng hộ tiền, mong các vị kêu gọi thêm các nhà hảo tâm giúp đỡ họ. Thế đấy, làm việc hết “trách nhiệm” vẫn chưa đủ mà phải đi liền với “cái đức”. Vậy là gặp anh tôi thêm sáng ra về “đạo đức”, về “trách nhiệm” rất đời thường nhưng đầy tính nhân văn cao cả.

Bản thân những người trong câu chuyện trên đây đang sống, làm việc đâu đó bên cạnh ta mà ta không biết. Họ chính là những tấm gương cho chúng ta học tập tự hoàn thiện nhân cách mình, để góp sức mình vào xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội nhân ái và văn minh.