Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:

Biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân

(NTO) Trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên vấn đề về quyền con người được đưa vào Hiến pháp, đặt trang trọng tại phần đầu của chương II. Bởi vì, quyền con người vốn là quyền tự nhiên và trên cơ sở đó hình thành nên quyền và nghĩa vụ của công dân.

Điều đó cho thấy sự khẳng định trong tư duy nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về xác định tầm quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ bản của công dân trong xã hội Việt Nam, khẳng định các quyền đó trong xã hội Việt Nam được Đảng và Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ.

Đây là nội dung hoàn toàn phù hợp với tư tưởng lập hiến hiện đại, phù hợp với luật pháp quốc tế và những công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phù hợp với trình độ phát triển chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, với những thành tựu của sau 30 năm đổi mới, Hiến pháp 2013 đã bổ sung 5 nhóm quyền mới cho con người, cho công dân như quyền được sống, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được tiếp cận các giá trị văn hóa và tham gia vào đời sống văn hóa… Ngoài ra, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, kinh tế, dân sự của công dân được quy định chi tiết, cụ thể hơn, chặt chẽ, minh bạch hơn, đồng thời, Hiến pháp cũng xác định rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân thông qua việc quy định rõ, cụ thể cơ chế, thủ tục để nhân dân thực hiện được những quyền này.

Tuy nhiên, để bảo đảm các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã quy định trong Hiến pháp được thực hiện trong thực tế, bên cạnh việc cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định đó bằng các bộ luật, các luật và các văn bản dưới luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì việc tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động rất cần thiết.

Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Đặc biệt, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã khẳng định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Với chủ đề: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2014 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh đã cụ thể hóa, thiết thực thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013.

Thiết nghĩ, để quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo đảm trên thực tế thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải chú trọng phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Trước hết, cần chú trọng phương thức tổ chức thực hiện. Đó là trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần tổ chức triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, lồng ghép trong mọi hoạt động và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị.

Về đối tượng, trước hết cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên vì đây là lực lượng trực tiếp thực hiện pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ, là lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thực tế, từ đó nhân rộng trong toàn thể nhân dân trong các khu dân cư.

Về nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trước hết cần tập trung vào các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa trong các luật, bộ luật trên các lĩnh vực như trong Luật tiếp công dân 2013, Luật Việc làm 2013, Luật Đất đai 2013...và các văn bản dưới luật khác. Đó chính là những nội dung quan trọng nhằm thiết thực bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.