Hướng tới ngày pháp luật năm 2014: Không xem nhẹ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường

(NTO) Ngày 16-11-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, những năm qua, đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trên địa bàn tỉnh đã được bồi dưỡng chuẩn hóa về kiến thức, phương pháp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật để vận dụng vào quá trình giảng dạy cho học sinh một cách hiệu quả. Nội dung phổ biến, giáo dục trong học sinh, sinh viên (HS-SV) là đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã tích hợp nội dung PBGDPL cho HS-SV thông qua các bài học Giáo dục công dân chính khóa về pháp luật an toàn giao thông, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giáo dục…, các buổi ngoại khóa về phòng, chống tội phạm, ma túy…

Bảng tuyên truyền "Cổng trường an toàn giao thông" tại Trường THCS Trần Phú (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)

Để tăng cường công tác PBGDPL trong nhà trường, 60 trường THCS trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Hội thi “Phòng, chống tội phạm”, 100% trường THPT, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp, Trung tâm GDTX, Trường Cao đẳng Sư phạm, Dân tộc nội trú đã tổ chức Hội thi “Phòng, chống ma túy” theo cụm, thu hút HS toàn tỉnh tham gia. Bên cạnh đó, các trường học đã tập trung tuyên truyền thông qua các buổi phát thanh học đường, tiết chào cờ, trên các Bản tin Thanh niên nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho HS-SV.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện TTLT số 30/2010, nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và HS-SV đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, giáo viên và học sinh còn nhận thức chưa tốt về tầm quan trọng của việc tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường nên tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh vẫn còn xảy ra, giáo dục trong nhà trường vẫn còn nặng về giáo dục văn hóa, chưa thực sự coi trọng, đầu tư thích đáng cho hoạt động PBGDPL, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong HS-SV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trường học gần như là môi trường đầu tiên của mỗi người khi bước chân ra ngoài xã hội, do vậy, giáo dục pháp luật trong nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo dựng nền móng tri thức, đặc biệt là văn hóa ứng xử với pháp luật của HS-SV.