Phòng, chống cận thị học đường

(NTO) Bệnh Cận thị đang ngày càng trở nên phổ biến và gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo thống kê, ở nước ta tỷ lệ cận thị khoảng 20-60% tùy theo độ tuổi và tùy khu vực thành thị hay nông thôn, trong đó ước tính có gần 3 triệu trẻ em độ tuổi 1-15 tuổi mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó tỷ lệ cận thị chiếm 2 phần 3 và tập trung chủ yếu ở đô thị .

Ở tỉnh ta, qua khám sàng lọc của Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh tại 42 trường học năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh bậc THPT mắc cận thị khoảng 10%, THCS khoảng 25%. Bệnh cận thị có số lượng học sinh mắc ngày càng nhiều và độ tuổi mắc ngày càng nhỏ là điều rất đáng lo ngại.

Nhiều học sinh TH bị bệnh khúc xạ.Ảnh: CTV

Bệnh Cận thị làm cho không nhìn thấy vật ở xa và gây nhiều tác hại như: Hạn chế sự phát triển toàn diện của học sinh; các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe; sự lựa chọn ngành nghề trong cuộc sống; một số sinh hoạt hàng ngày của học sinh và hạn chế một phần kết quả học tập do mắt chóng bị mỏi, do nhìn bảng không rõ, viết và đọc chậm; dễ bị tai nạn trong lao động, sinh hoạt.

Nguyên nhân: gồm 2 nguyên nhân chính: Cận thị bẩm sinh, những trẻ này độ cận phát triển rất nhanh làm ta dễ nhận biết và cần được khám, chữa bệnh sớm. Nguyên nhân thứ 2 bao gồm nhiều yếu tố như: ngồi học sai tư thế đầu cúi quá sát với sách vở, học tập ở nơi thiếu ánh sáng, bàn ghế không phù hợp với độ tuổi học sinh, để trẻ xem TV ngồi quá gần (dưới 3 m) hoặc xem quá lâu hơn 2 giờ/ngày, chơi game quá nhiều trên các thiết bị điện tử liên tục… Có lẽ đây là nguyên nhân chính gây bệnh cận thị học đường hiện nay.

Triệu chứng ban đầu: Những dấu hiệu thường thấy đầu tiên ở các trẻ bị mắc cận thị là hay nheo mắt khi nhìn xa, nhìn bảng và thích ngồi gần TV khi xem, khi học bài thường cúi thấp đầu, mắt sát vở, sách, thường viết sai lỗi khi chép bài trên bảng, than mỏi mắt khi tập trung ngồi học lâu…

Điều trị: Khi thấy trẻ em có các biểu hiện đầu tiên: nheo mắt khi nhìn xa, thường chép bài (từ bảng vào vở) có nhiều lỗi, than mỏi mệt khi học tập hơi lâu là nên đưa trẻ đi khám ở các cơ sở chuyên khoa Mắt hoặc Trung tâm chuyên khóa Mắt tỉnh để xác định tình trạng mắt vì có thể trẻ bị loạn thị hoặc cận thị hoặc cận thị nhưng 2 mắt không đều… để được đeo kính chỉnh thị thích hợp.

Phòng bệnh: Lưu ý bệnh cận thị ở trẻ em dù được chỉnh thị có hiệu quả bằng đeo kính nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh cận thị chưa được hạn chế hoặc loại trừ thì tình trạng mắt vẫn sẽ tiếp xấu dần đi, do vậy cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

- Tăng cường vệ sinh mắt, vệ sinh kính hàng ngày để phòng nhiễm khuẩn mắt;

- Chỉnh sửa lại tư thế ngồi đọc sách: lưng thẳng, đầu chỉ cúi tối đa 30o, mắt cách sách 35 – 40cm, 2 tay để trên bàn.

- Sắp xếp lại chế độ sinh hoạt: học tập, đọc sách khoảng 45 phút thì cho mắt nghỉ bằng cách: nhìn ngắm vật ở xa, mát-xa mắt, đi lại cho thư giãn; không cho trẻ xem TV hơn 2 tiếng/ngày hoặc chơi game trên máy tính, máy tính bảng, Ipad, điện thoại di động;…

- Tăng cường thể dục cho trẻ; chế độ ăn giàu vitamin A như ăn cá thường xuyên, gan, trứng, các loại rau xậm màu, quả có màu vàng (đu đủ, cà rốt, xoài, cà chua...). Nhưng phải có ý kiến của thầy thuốc và thực hiện đúng hướng dẫn khi sử dụng dầu gấc, dầu cá, vitamin A vì khả năng thừa và tích lũy vitamin A là không tốt.