Người dân nâng cao ý thức phòng bệnh Ebola

(NTO) Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Ebola, thời gian qua, để thông tin đến bạn đọc tình hình phòng, chống dịch Ebola trên địa bàn tỉnh, Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với Bác sỹ Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề trên.

Bác sỹ Phan Thị Lai
Phó Giám đốc Sở Y tế

Phóng viên: Bác sỹ có thể cung cấp một số thông tin cần thiết giúp người dân hiểu rõ hơn về căn bệnh Ebola?

Bác sỹ Phan Thị Lai: Bệnh Ebola hay còn gọi là bệnh sốt xuất huyết ebola, do vi rút Ebola gây nên. Vật chủ mang mầm bệnh trong tự nhiên là các loại động vật có vú rừng nhiệt đới, chủ yếu là các loài linh trưởng, tinh tinh, hoặc dơi ăn quả... Vi rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc với tiết dịch, máu của động vật chứa virut. Tại một số nước Châu Phi, người dân có thói quen ăn thịt và thường xuyên tiếp xúc với thú rừng thông qua các hoạt động như: bắt, giết, mổ… nên vô tình bị nhiễm vi rút Ebola từ các động vật hoang dã mang mầm bệnh. Trong khi đó, ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế, điều kiện y tế không bảo đảm nên bệnh dễ lây truyền từ người này sang người khác… từ đó bùng phát thành dịch.

Bệnh Ebola hết sức nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên 90%. Người bị bệnh Ebola có những triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày. Nguy hiểm là mặc dù trong thời gian ủ bệnh, bệnh cũng có thể lây truyền. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc-xin phòng ngừa, chính vì vậy, biện pháp duy nhất để phòng bệnh là người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn trước khi ăn, sau khi tiếp xúc, chế biến thực phẩm. Tránh tiếp xúc với máu, dịch tiết, chất thải của người, động vật nhiễm bệnh. Người dân cần hạn chế tối đa đi đến vùng có dịch và chú ý những trường hợp đi du lịch xa, đi nước ngoài về và trường hợp đang ở trong vùng dịch nếu xuất hiện một trong những triệu chứng của bệnh như đã nêu trên cần phải đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi về nước, cần báo cho y tế cơ sở nơi đang sinh sống biết để được tư vấn, theo dõi bệnh. Ngoài ra, người dân cũng không nên ăn thịt hay tiếp xúc với động vật hoang dã vì đây là những vật thể trung gian truyền bệnh.

Phóng viên: Trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh Ebola khiến người dân rất lo lắng, vậy bác sĩ cho biết ngành Y tế đã chuẩn bị gì cho việc phòng ngừa, ứng phó khi có dịch?

Bác sỹ Phan Thị Lai: Bệnh Ebola hết sức nguy hiểm, tuy nhiên người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng vì từ trước đến nay, nước ta chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm bệnh hoặc mầm bệnh tồn tại trong tự nhiên. Bệnh không lây qua đường không khí, hô hấp mà chỉ thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người, động vật nhiễm bệnh. Để ngăn ngừa, quản lý các trường hợp nhiễm bệnh từ các nước khác vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành Y tế các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có sân bay, cửa khẩu, biên giới phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh; duy trì khai báo y tế, giám sát tại nơi lưu trú đối với hành khách đến từ vùng dịch… Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế xử lý kịp thời nếu nghi ngờ hay ghi nhận có trường hợp nhiễm bệnh. Tỉnh ta không có biên giới, cửa khẩu, sân bay nên xác suất xuất hiện bệnh rất thấp.

Vừa qua, UBND tỉnh đã lên kế hoạch chủ động ngăn ngừa, ứng phó với dịch bệnh. Theo đó đã đưa ra 4 tình huống và các giải pháp xử lý. Cụ thể, tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; tình huống 2: Đã ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam nhưng chưa xuất hiện ca bệnh tại tỉnh ta; tình huống 3: Xuất hiện các ca bệnh ở một số địa phương trong tỉnh và tình huống 4 là dịch lây lan trong cộng đồng. Hiện tình hình đang ở trong tình huống 1. Đối với tình huống này, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân trong công tác phòng ngừa, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan tăng cường công tác giám sát, dự phòng, chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực, vật tư, hóa chất, phương tiện sẵn sàng thu dung cách ly, điều trị, và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống khi có dịch xảy ra. Riêng đối với ngành Y tế hiện cũng đã bố trí khu điều trị, cách ly bệnh nhân nghi ngờ Ebola tại các bệnh viện trong tỉnh; tổ chức tập huấn cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch cho cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch. Sở cũng đang kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm bổ sung một số trang thiết bị bảo hộ cá nhân, vật tư… nhằm chủ động ứng phó trong trường hợp có bệnh nhân nhiễm Ebola trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sỹ!